Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Báo tin giả về tội phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Thứ Tư, 16/02/2022 16:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để hạn chế việc tùy tiện tố giác, báo tin giả về tội phạm thì pháp luật đã quy định những hình thức xử lý về hành vi này. Vậy những hình thức xử lý đó là gì? Người thực hiện hành vi vi phạm liệu có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ nội dung này.

Theo luật sư Nguyễn Thành Phong, đoàn luật sư TP Hà Nội, thời gian qua, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình trạng an ninh trật tự có nhiều vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm trong đó nảy sinh các loại hình tội phạm mới tinh vi, thủ đoạn hơn. Trước thực trạng này, cơ quan quản lý, đặc biệt là những cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề này đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự. Góp phần vào những thành quả của lực lượng thực thi nhiệm vụ cần phải nhắc tới sự vào cuộc kịp thời phát hiện, trình báo và sự hỗ trợ của người dân, cộng đồng xã hội trong việc báo tin tố giác vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận tin báo tố giác phòng, chống tội phạm.

(Nguồn: baovinhphuc.com.vn).

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thành Phong, bên cạnh những tin báo tố giác đúng quy định pháp luật thì thời gian qua, việc xuất hiện những hành vi cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm, phần nào làm ảnh hưởng tới hoạt động thực thi công vụ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Phong cho rằng, người có hành vi cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi cố ý tố giác, báo tin giả. Pháp luật đã quy định cụ thể những nội dung liên quan đến vấn đề này, trong đó có những điểm đáng lưu ý như sau:

 Người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống được quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

 Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Trong khi đó, theo điểm c, khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Như vậy, đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin giả thì cá nhân có thể bị phạt đến 3 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 6 triệu đồng.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định mức xử lý đối với trường hợp đối tượng vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức nếu cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm.

 Theo điều 23, Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm thì có thể bị xử lý kỷ luật nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Cùng với những hình thức xử lý, xử phạt thì người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm có thể phải bồi thường thiệt hại cho người bị tố giác, báo tin giả. Theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

 Như vậy, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả thì có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu.

 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

 - Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 - Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

 - Thiệt hại khác do luật quy định.

 Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường các thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 “Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ những nội dung liên quan đến hình thức xử lý, xử phạt đối với người vi phạm về hành vi Cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm. Ngoài việc phải chịu xử phạt hành chính bằng tiền thì trường hợp khi có đủ cơ sở khẳng định để xử lý hình sự thì cơ quan chức năng sẽ cân nhắc, xem xét xử lý. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định thiệt hại do mình gây ra. Do đó, mỗi công dân cần nắm rõ những quy định này để cùng phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự đời sống xã hội, góp phần tăng cường nếp sống an toàn, văn minh, lành mạnh trên địa bàn cư trú” – luật sư Nguyễn Thành Phong phân tích thêm./.

Trường Quân - Quang Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN