Bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động khai thác than
(ĐCSVN) – Thời gian qua, tại nhiều đơn vị sản xuất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng. Đây thực sự là những hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động của ngành than, một lĩnh vực lao động đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm…
Theo thống kê, năm 2016, tại các đơn vị sản xuất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có tới trên 20 vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra với hậu quả khiến 23 người lao động tử vong. Năm 2017, tình hình tuy đã phần nào được cải thiện nhưng vẫn có 15 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra, làm chết 16 người và gần chục người khác bị thương. Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tai nạn lao động trong ngành than tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong hơn 3 tháng đầu năm nay, đã liên tiếp xảy ra 5 vụ tai nạn lao động tại các đơn vị sản xuất than. Các vụ tai nạn này đã làm chết 4 người, 5 người bị thương.
Gần đây nhất là vụ tai nạn lao động xảy ra vào hồi 20h40’ ngày 7/4, tại Công ty Than Hạ Long, khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Tại thời điểm này, nhiều người lao động đang tham gia sản xuất tại đào lò thượng vỉa 15 tại Phân xưởng khai thác 5, khu vực Hà Ráng thuộc Công ty Than Hạ Long thì than, đá ở khu vực gương lò trượt lở xuống vùi lấp 2 công nhân. Mặc dù đã được phát hiện kịp thời, sơ cứu ban đầu và đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi... Nạn nhân tử vong được xác định là anh Đoàn Văn Sỹ (SN 1991, quê ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) thợ lò bậc 5/6. Nạn nhân bị thương là anh Phạm Ngọc Chi (SN 1987, quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).
Trước đó, vào hồi 10h50’ ngày 17/3, trong khi nạo vét bùn tại bể lắng dưới đường lò mức - 250 thuộc Công ty CP Than Mông Dương, do bùn than trượt lở xuống xe goòng khiến xe ép vào 1 công nhân dẫn đến tử vong. Nạn nhân là công nhân Nguyễn Văn Nam (SN 1984, quê Hà Nội), là công nhân sửa chữa điện và vận hành bơm nước của Công ty CP Than Mông Dương... Cũng trong đầu tháng 3, đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động tại Công ty Than Nam Mẫu và Công ty Than Quang Hanh. Hậu quả làm 1 người chết và 4 người bị thương…
Liên quan đến tình trạng mất an toàn trong sản xuất tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, điều đáng nói là các vụ việc tai nạn lao động không chỉ xảy ra với công nhân, người lao động mà trong không ít trường hợp cả cán bộ quản lý cũng đã bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong. Điển hình như trường hợp tai nạn xảy ra vào thời điểm cuối tháng 1/2018 đối với 1 Phó Quản đốc phân xưởng vận tải thuộc Công ty Tuyển than Cửa Ông. Cụ thể, trong ca làm việc, khi đi kiểm tra, do sơ suất đứng vào khu vực băng tải, người này đã bị cuốn vào gầm băng tải dẫn đến tử vong...
Những con số nói trên đã phần nào phản ánh thực trạng đáng báo động về tình hình tai nạn lao động cũng như hiệu quả công tác đảm bảo an toàn lao động trong các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Thực tế cho thấy, quá trình sản xuất của ngành Than, nhất là nhóm lao động tham gia sản xuất dưới hầm lò sâu là công việc đặc thù: Vất vả, cực nhọc, độc hại; có rất nhiều tình huống tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến chết người. Liên tục nhiều năm qua, gần như năm nào ngành Than cũng có các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Do đó, việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn chính là biện pháp chủ động nhằm ngăn chặn việc xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc.
Khách quan nhìn nhận, những năm gần đây, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã luôn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng tránh các vụ tai nạn lao động. Hàng loạt những quy định cụ thể, rõ ràng, nghiêm khắc cũng đã được Tập đoàn và các đơn vị đề ra, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đã có không ít giám đốc các doanh nghiệp đã bị kỷ luật, chuyển công tác do để xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng... Tuy nhiên, hiệu quả việc giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành Than vẫn chưa được như mong muốn; nhiều đơn vị vẫn không tránh khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra. Điển hình như năm 2017 vừa qua được xem là năm là có số vụ tai nạn lao động ít nhất và số người chết thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng toàn ngành Than vẫn để xảy ra 15 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 16 người, bị thương gần chục người khác.
Theo các cơ quan chuyên môn và một số chuyên gia trong lĩnh vực an toàn lao động, tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng trong ngành Than có khá nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân trực tiếp của phần lớn các vụ việc là do người lao động còn chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động. Hệ quả là dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp. Cùng với đó, cũng có một phần lỗi thuộc về người quản lý, sử dụng lao động ở một số đơn vị đã chưa thường xuyên chú trọng kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc chấp hành các quy trình, quy phạm về an toàn lao động trong quá trình sản xuất. Tại nhiều đơn vị, việc thực hiện công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn còn mang tính hình thức; chưa đạt chất lượng, hiệu quả bền vững…
Do đó, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là cần chú trọng hơn nữa đến việc bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động khai thác than. Theo đó, ngành Than cần chủ động khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý an toàn lao động ở các đơn vị. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn lao động ở mỗi cán bộ, công nhân… để phòng, tránh nguy cơ tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp. Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, bảo đảm các điều kiện sản xuất thuận lợi và an toàn nhất cho người lao động. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định, quy trình về an toàn lao động trong quá trình sản xuất; kiên quyết xử lý nghiêm túc những trường hợp vi phạm để ngăn ngừa, giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn lao động…
Việc chú trọng hơn nữa đến việc bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động khai thác than chính là cơ sở giúp các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc; đồng thời, giúp người lao động thêm yên tâm gắn bó với đơn vị, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng đơn vị cũng như của toàn Tập đoàn./.