Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 5: Sức bật mới cho các sản phẩm OCOP Kon Tum

Thứ Bảy, 31/12/2022 21:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau một thời gian triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Kon Tum đã từng bước tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Đáng chú ý, khi triển khai thực hiện OCOP, tỉnh đã xác định đây là cơ hội để tập trung phát triển một số sản phẩm thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân; tỉnh xác định đây là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Trang thông tin điện tử giới thiệu OCOP tỉnh Kon Tum (Ảnh chụp màn hình) 

OCOP góp phần tái cơ cấu nông nghiệp

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, đến nay, tỉnh đã có 148 sản phẩm được công nhận từ 03 sao trở lên của 77 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới gắn liền với những đặc trưng riêng của từng địa phương, phấn đấu đến năm 2025 phát triển 350 sản phẩm OCOP, khoảng 200 chủ thể tham gia.

Tỉnh cũng xác định rõ ràng rằng, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số bảo tồn các giá trị văn hóa quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Đồng thời, chương trình phải được triển khai một cách hiệu quả, thực chất, không chạy theo số lượng, do đó, tới đây, tỉnh tập trung vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điểm bán sản phẩm OCOP, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị và lợi nhuận.

Có thể thấy, OCOP là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và thực hiện một số mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Được biết, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Kon Tum có nhiều thuận lợi để phát triển đa dạng sản phẩm OCOP như loài cây dược liệu tiêu biểu sâm Ngọc Linh, đẳng sâm,... Từ năm 2019, lãnh đạo tỉnh Kon Tum xác định đây là chương trình quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trong năm 2021, Chương trình đã nhận được sự quan tâm, tích cực tham gia của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Kon Tum đăng ký tham gia với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú. Tháng 10/2022, Kon Tum đã tổ chức thành công hội nghị công bố và trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 năm 2022. Trong đó, đã đánh giá, phân hạng 9 sản phẩm của 6 chủ thể là các HTX, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Đăk Glei và huyện Sa Thầy đăng ký tham gia.

Điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Kon Tum (Ảnh: PV) 

Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh (đơn vị triển khai Chương trình OCOP tỉnh) Kon Tum cho biết, theo kế hoạch mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 10 sản phẩm cấp Quốc gia. Hơn nữa, việc tạo thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao mang đặc trưng địa phương, mô hình OCOP đang góp phần mở ra cơ hội liên kết và phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Thúc đẩy sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường nông sản

Với 05 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của tỉnh và xây dựng thành công hệ thống phân phối tại 16 tỉnh, thành, trong đó có 4 siêu thị Co.opmart, 6 siêu thị AEON, nhiều siêu thị mini, cửa hàng trên toàn quốc với 8 nhà phân phối… công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (Đăk Tô, Kon Tum) đã viết lên câu chuyện khởi nghiệp từ nông nghiệp thật đáng khâm phục. Đặc biệt, tháng 10/2021, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã vinh dự vượt qua 1.549 dự án, về đích chung cuộc ở vị trí số 2 - Giải Sáng tạo Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đồng thời, công ty cũng vinh dự là 1 trong 29 doanh nghiệp tiêu biểu được nhận giải thưởng của dự án ISEECOVID 2022 - Dự án do Cục Phát triển doanh nghiệp (AED - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ với mục tiêu tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Được biết đến là một trong các đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP chủ lực, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Gia Vương, khi tham gia xây dựng bộ sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ tham gia xúc tiến, quảng bá, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại các cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ có sự góp ý của các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh, công ty còn từng bước bổ sung các điều kiện đầy đủ hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng lên hạng  sao. Công ty vẫn liên tục phát triển thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố miền Bắc để ghi nhận thêm các đánh giá, góp ý của khách hàng, qua đó, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hương vị, bao bì và phát triển các dòng sản phẩm mới. Vừa qua, sau khi Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đợt 1 của năm 2021 kết thúc, các sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên của công ty được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, trưng bày và bán ở các cửa hàng cũng như trên hệ thống giới thiệu sản phẩm OCOP từ Trung ương đến địa phương. Đối với 6 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để gửi Hội đồng OCOP cấp Quốc gia đánh giá, phân loại.

Các sản phẩm OCOP 3 sao của Đăk Tô, Kon Tum (Ảnh: HNV) 

Đề cập đến các sản phẩm OCOP của tỉnh, đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum cũng khẳng định, tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể là doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh ở các địa phương đã chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu, đầu tư máy móc, chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của mình.

Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Kon Tum nhận xét, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh về cơ bản đều chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư dây chuyền chế biến và đóng gói tại chỗ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, có mẫu mã bao bì hiện đại và thị trường tiêu thụ ổn định.

Thêm vào đó, việc chủ động nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất và tạo ra các sản phẩm mới, các chủ thể có thêm kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, mở rộng được nguồn hàng và thị trường tiêu thụ, thúc đẩy cạnh tranh, đa dạng hàng hóa. Mặt khác, để tiếp tục triển khai mô hình OCOP hiệu quả, thực chất, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung ưu tiên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điểm bán sản phẩm OCOP, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin tưởng rằng, với nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản, chăc chắn các sản phẩm OCOP của tỉnh Kon Tum sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai./.

 Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020. OCOP được ngành nông nghiệp kỳ vọng tạo đột phá khi đến hết năm 2020 đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện và ghi nhận được 4.451 sản phẩm OCOP của 2.491 chủ thể. Mục tiêu của mô hình này là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa). Trong đó, ưu tiên sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

 

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN