Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Cơ hội nâng tầm sản phẩm OCOP của Gia Lai

Thứ Ba, 13/12/2022 17:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Vài năm trở lại đây, tại địa bàn Gia Lai, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nông-lâm-thủy sản cùng sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng của địa phương là một trong những giải pháp quan trọng trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Chương trình OCOP được hiểu là mỗi làng, xã tùy theo điều kiện và lợi thế của địa phương lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) không chỉ tổ chức các lớp tập huấn mà còn thành lập các đoàn thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng đề án OCOP. Giai đoạn 2017-2020, Sở đã xác định, trên địa bàn tỉnh có 46 sản phẩm ở 6 nhóm chủ lực gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm; dịch vụ du lịch nông thôn. Hầu hết các sản phẩm này đều có địa chỉ và nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, như: rau, củ, quả VietGAP, bò một nắng, hồ tiêu, rượu ghè, các loại thảo dược, thổ cẩm, các mặt hàng lưu niệm, đồ gỗ mỹ nghệ, ẩm thực du lịch nông thôn… Đây là những sản phẩm đặc trưng do người dân ở khu vực nông thôn sản xuất và đưa ra thị trường từ nhiều năm nay. Đông đảo bà con nông dân tỉnh Gia Lai cũng đang hy vọng OCOP sẽ mở ra triển vọng xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc trưng của tỉnh để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Website OCOP Gia Lai (Ảnh chụp màn hình) 

OCOP – động lực mới phát triển kinh tế nông thôn

Theo đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, OCOP là chương trình kinh tế lớn, vì vậy, cần lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển theo đúng quy luật thị trường. Trong đó, người dân là nhân tố chính, sáng tạo những ý tưởng để nâng tầm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao thu nhập; Nhà nước chỉ hỗ trợ về tập huấn, hướng dẫn xây dựng xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại… OCOP là cơ hội để các xã trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, nâng tầm những sản phẩm thế mạnh của địa phương mình. Đây cũng là cơ hội lớn để phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh nêu rõ, sau 3 năm triển khai OCOP (2018-2020), Gia Lai đã có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Chương trình đã góp phần quan trọng để từng bước nâng tầm đặc sản và sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Xuất hiện một số HTX, một số địa phương và doanh nghiệp điển hình trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhờ xác định đúng sản phẩm trọng tâm dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương, trong 2 năm qua, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Cụ thể, năm 2019, HTX có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu sọ hữu cơ, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí; năm 2020, có sản phẩm bộ cà phê Đak Yang đạt 3 sao cấp tỉnh. Mỗi năm, HTX tham gia hơn 20 hội chợ, các sự kiện kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Hiện các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của HTX đã có mặt tại một số siêu thị lớn và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước. Cùng với kênh tiêu thụ truyền thống, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn, do đó, thị trường ngày càng được mở rộng.

Sở hữu sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, HTX đã từng bước hình thành việc sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị. Theo đó, liên kết các hộ thành viên sản xuất những bộ giống lúa tốt, chất lượng gạo ngon, mang hương vị đặc trưng. Để sản phẩm đồng bộ về chất lượng, HTX đã cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ thành viên. Hàng năm, HTX tổ chức thu mua trên 200 tấn lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn để chế biến gạo đưa ra thị trường. Kể từ lúc đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm gạo của HTX đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bước đầu, 11 đại lý tại TP. Pleiku và 2 đại lý tại TP. Hồ Chí Minh đã ký kết tiêu thụ gạo của HTX.

Nhiều sản phẩm OCOP cũng chính là sản phẩm chủ lực của sản xuất kinh tế địa phương (Ảnh: PV) 

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Đak Đoa cho thấy, sau 2 năm triển khai, huyện có 19 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đón nhận, dần vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và hướng đến xuất khẩu. Việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX, tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển. Tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phát triển nguồn nguyên liệu và xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, kỹ năng bán hàng, quản lý cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, huyện tiếp tục hỗ trợ sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân từ việc hoàn thiện sản phẩm, thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác, in bao bì, truy xuất nguồn gốc đến xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Song song là siết chặt quản lý sử dụng tem, nhãn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, theo Phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, huyện đã quan tâm hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm thực hiện các quy trình kiểm tra về cơ sở, dây chuyền sản xuất, thiết kế bao bì, thực hiện đăng ký mã vạch, mã QR Code, từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Muốn khởi nghiệp từ OCOP thành công thì điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, thắt chặt liên kết giữa “4 nhà”. Chương trình OCOP của huyện cũng chú trọng hỗ trợ các chủ thể phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Nâng tầm sản phẩm OCOP

OCOP đã thực sự tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng. Về tiêu thụ, ngoài những kênh truyền thống, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử... Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng của các đơn vị nhưng doanh số tiêu thụ sản phẩm vẫn tăng khoảng 20% so với thời điểm chưa tham gia Chương trình OCOP.

Sơ kết chung giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh có 149 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao cấp tỉnh, vượt 98 sản phẩm so với kế hoạch; tổng nguồn vốn huy động thực hiện hơn 107,3 tỷ đồng. Trên đà thành công đó, trong giai đoạn tới, tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có trên 70 sản phẩm đạt 3 sao trở lên và đến năm 2025 có ít nhất 2 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Khai trương điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP Gia Lai (Ảnh: PV) 

Để tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, ngoài chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cũng được cấp ủy và chính quyền các cấp Gia Lai quan tâm chú trọng. Đơn cử như Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022 mới đây đã được xem là sự kiện quan trọng, mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm OCOP, những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của tỉnh Gia Lai và một số tỉnh, thành trong cả nước; cùng các gian hàng của doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp của một số quốc gia khác sản xuất tại Việt Nam. Các sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ đa dạng, phong phú, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương.

Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, các Hội chợ triển lãm sản phẩm, sẽ góp phần hỗ trợ mối liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tăng cường giao lưu học hỏi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai khi tham gia giao thương hàng hóa, đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước. Được biết, để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến thương mại để sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn.

Có thể thấy, OCOP đã và đang khai thác tối đa tiềm năng vùng miền, định hướng người dân vùng nông thôn hướng đến sản xuất sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, bền vững. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP hòa vào "biển lớn" của thị trường; góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn./.

Hân Nguyễn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN