Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phục hồi sản xuất sau bão số 3
(ĐCSVN) - Nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi hầu hết các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng để nắm thực trạng và đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về kế hoạch phục hồi. Tiếp đó, Bộ đã tổ chức các hội nghị chuyên sâu, cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta đầu tháng 9/2024 gây nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu thiệt hại rất lớn.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về công tác khắc phục hậu quả sau bão, mưa lũ, sạt lở đất,… đối với lĩnh vực quan trọng này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: B.T) |
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây rất nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Bắc nước ta. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể về những thiệt hại này? Và, hiện nay, công tác thống kê, khắc phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ đang được các tỉnh phía Bắc thực hiện ra sao?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, cơn bão số 3 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính thiệt hại trên 80.000 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30%. Riêng với thủy sản, thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng, với chăn nuôi, hiện chưa thống kê đầy đủ nhưng theo con số thống kê là trên 11.000 tỷ đồng.
Với các lĩnh vực khác, lúa thiệt hại hơn 200.000 ha, lâm nghiệp thiệt hại 170.000 ha rừng trồng, cây ăn trái và các sản phẩm khác cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta vẫn đang cập nhật và giải quyết vấn đề này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức phục hồi sản xuất hết sức khẩn trương trên cơ sở kinh nghiệm từ những cơn bão trước. Như chúng ta đã thấy, trước đó, cuối năm 2020, mưa lũ lớn diễn ra tại các tỉnh miền Trung, nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ra quân của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các tỉnh, chúng ta đã phục hồi được sản xuất nông nghiệp rất sớm.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức phục hồi sản xuất hết sức khẩn trương trên cơ sở kinh nghiệm từ những cơn bão trước. (Ảnh: B.T) |
PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và đề ra các biện pháp để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có kế hoạch như thế nào để thực hiện chỉ đạo này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, ngoài Nghị quyết 143/NQ-CP, ngày 27/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 100/CĐ-CP về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ. Để giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, trong quá trình chống bão, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đi hầu hết các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng để nắm được thực trạng và đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh về kế hoạch phục hồi, đối tượng phục hồi. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo Bộ đã tổ chức các hội nghị chuyên sâu, cụ thể, để huy động các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Ví dụ, với lĩnh vực lâm nghiệp, để giải quyết vấn đề thiệt hại 170.000 ha rừng trồng như thế nào? Các giải pháp đã được đề cập đến như: Tận thu sản phẩm gỗ, rừng trồng bị gãy để làm viên nén, giải quyết vấn đề về cây giống để chuẩn bị trồng vào đầu năm sau,…
Về trồng trọt, đã có hội nghị về cây vụ Đông, chọn những đối tượng như rau màu, cây ăn quả,… phù hợp và chuẩn bị cơ số giống cho vụ Đông Xuân và vụ Đông, đáp ứng được tất cả các yêu cầu, cũng như chuẩn bị thuốc bảo vệ thực vật, quy trình canh tác, bảo vệ đồng ruộng. Về thủy sản và chăn nuôi, trên cơ sở khảo sát các địa phương, Bộ đã tổ chức một hội nghị tại Hải Phòng, huy động được gần 200 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hợp tác xã, bà con nông dân, ngư dân,…
Trong đó, với đối tượng của thủy sản, từ nay đến cuối năm chỉ còn gần 3 tháng để chúng ta về đích. Ví dụ, với tôm thẻ, giá đang tốt, do đó, chúng ta cần tập trung đủ giống, tập trung đủ thức ăn, dinh dưỡng, giải quyết chế phẩm sinh học và quy trình nuôi trồng để đảm bảo được hiệu quả cao nhất khi đưa tôm thẻ chân trắng nuôi phía Bắc. Bây giờ, chúng ta đã có công nghệ để nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh phía Bắc vào vụ Đông. Thứ hai, đối với rong biển, trên cơ sở quy trình công nghệ, đã có doanh nghiệp sản xuất giống rong bằng nuôi cấy mô, cấp 1 triệu cây giống rong cho bà con các tỉnh. Khi thu hoạch xong, sẽ có đơn vị mua toàn bộ sản phẩm đó.
Thứ nữa là nhuyễn thể và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, dồn toàn bộ giống của các tỉnh như: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình để khôi phục cho Hải Phòng và Quảng Ninh.
Trên cơ sở hội nghị đó, Bộ đã giao Cục Thủy sản thống kê lại các đối tượng bị thiệt hại và có kế hoạch sát thực tiễn để bù đắp ở những đối tượng khác trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Mới đây, Bộ đã tổ chức một hội nghị chuyên sâu về các bệnh thủy sản. Đây cũng chính là hội nghị đề xuất những giải pháp nâng cao các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, cá tra, tôm, nhuyễn thể, nuôi biển để chúng ta vừa khắc phục tại các tỉnh phía Bắc, vừa đẩy mạnh và nâng cao được tốc độ tăng trưởng của thủy sản tại các tỉnh phía Nam. Như thế, chúng ta sẽ sớm khắc phục được hậu quả cơn bão số 3 và phấn đấu về đích với sản lượng thủy sản 9,2 triệu tấn và trên 8 triệu tấn thịt các loại vào năm 2024. Hai lĩnh vực này chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Nếu chúng ta khắc phục ngay, có hiệu quả, chúng ta sẽ về đích với tốc độ tăng trưởng của ngành từ 3,2 - 4% vào năm 2024.
Nhiều diện tích rừng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. (Ảnh: Q.H) |
PV: Được biết, dự thảo thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thực vật đã cơ bản được hoàn thành để lấy ý kiến góp ý. Trước tình hình mưa lũ đang gây nhiều thiệt hại cho bà con như hiện nay thì Nghị định này có được đẩy nhanh tiến độ ban hành hơn nay không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước đây, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nếu sửa nghị định sẽ cần khoảng 1 - 2 năm. Lúc đó, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ ra nghị quyết.
Sau khi có Nghị quyết 42/NQ-CP, chúng ta đã huy động được 13.200 tỷ đồng vào phục hồi đàn lợn. Chưa đến 2 năm, chúng ta giải quyết được vấn đề về dịch tả lợn châu Phi. Và cũng chưa đến 2 năm, chúng ta đã có sản lượng thịt lợn và giá cả hợp lý.
Đợt này, chúng tôi vẫn kiến nghị với Chính phủ có một Nghị quyết để chúng ta sớm có nguồn lực. Với Nghị định 02, hiện đã quá cũ.
Các đơn giá định mức hỗ trợ đã lạc hậu. Do đó, phải có Nghị định lâu dài. Trước mắt, phải có một Nghị quyết của Chính phủ. Còn tại Nghị định 02, chúng tôi đã tách ra, một Nghị định cho thủy sản và chăn nuôi và một Nghị định của các lĩnh vực khác còn lại. Với Nghị định của thủy sản và chăn nuôi, chúng tôi đã ký trình Chính phủ, hy vọng Nghị định sẽ sớm được ban hành. Còn Nghị định của các lĩnh vực còn lại có thể sẽ chậm hơn.
Nhà xưởng bị tốc mái, các công nhân dựng bạt để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ gỗ bị gãy đổ sau bão số 3. (Ảnh: Q.H) |
PV: Thứ trưởng cho biết thêm những nội dung mới của dự thảo Nghị định này về mức hỗ trợ cho bà con khôi phục sản xuất?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như tôi đã nói, với Nghị định 02, đơn giá hỗ trợ đã không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay. Do vậy, ngoài phạm vi điều chỉnh, ngoài đối tượng được áp dụng, thì định mức đơn giá hỗ trợ cũng phải phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, đảm bảo được trước mắt và cả lâu dài để Nghị định đi vào thực tế cuộc sống hiệu quả.
Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại tại Quảng Ninh do ảnh hưởng của bão số 3. (Ảnh: TTXVN) |
PV: Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát các thôn bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Đến nay, Bộ đã có sự phối hợp với các địa phương triển khai nội dung này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về nhiệm vụ trên, tại Nghị quyết 143/NQ-CP, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ đã phối hợp với các địa phương; chắc chắn con số khắc phục, tái định cư cho bà con sẽ được cập nhật trước ngày 31/12/2024.
Như chúng ta đã biết, có những trường hợp, như tại Làng Nủ, đã làm ngay việc tái định cư; một số đơn vị khác cũng đã tiến hành thực hiện tái định cư để ổn định đời sống cho đồng bào.
Về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp và đi khảo sát các tỉnh, cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp để đảm bảo bền vững, lâu dài, tránh trường hợp lũ quét, lũ ống, sạt lở,… xảy ra như thời gian vừa qua.
PV: Thưa Thứ trưởng, trước tình hình mưa bão còn nhiều diễn biến phức tạp, về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp như thế nào để góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Lĩnh vực thủy lợi và phòng chống thiên tai luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là lĩnh vực được ưu tiên trong các nhiệm vụ, ưu tiên trong đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên trong nghiên cứu khoa học.
Chính có sự tập trung như vậy nên chúng ta mới có hệ thống thủy lợi, đê điều như bây giờ. Như vừa rồi, về dự báo hạn mặn, dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất chính xác.
Chúng tôi cũng đồng thời tăng cường tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu Thủy lợi ở phía Nam để dự báo chính xác hơn, khuyến cáo về xâm nhập mặn và nước biển dâng để các tỉnh chủ động xuống giống, đảm bảo hiệu quả.
Vừa rồi, mặc dù hạn mặn như vậy, nhưng chúng ta chỉ thiệt hại một phần diện tích của một số tỉnh. Điều đó cho thấy dự báo của chúng ta rất chính xác cho nên thiệt hại không quá lớn và cũng là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, bám sát vào dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có kế hoạch sản xuất phù hợp.
PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!./.