Bài 4: Khuyến khích sự tham gia của công nghiệp dân sinh vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh
(ĐCSVN) - Để khuyến khích sự tham gia của công nghiệp dân sinh vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã tập trung xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện tốt việc chuẩn bị và động viên công nghiệp đáp ứng nhu cầu thường xuyên và chiến tranh nếu xảy ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
- Bài 1: Chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự cường và lưỡng dụng
- Bài 2: Huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng
- Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ sản xuất quốc phòng
Xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện tốt việc chuẩn bị và động viên công nghiệp
Hình ảnh công nhân sản xuất tại xưởng A4, Nhà máy Z176 (Ảnh: Khánh Lan) |
Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hoa, tăng hạn sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội nhân dân, dân quân tự vệ; sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh. Với vai trò quan trọng như vậy, động viên công nghiệp là hoạt động hết sức bức thiết cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục với quy mô lớn, địa bàn rộng và trình độ công nghệ cao.
Trong hơn 20 năm thực hiệp Pháp lệnh Động viên công nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003, Bộ Quốc phòng xác định, đã thực hiện đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng các dây chuyền động viên công nghiệp tại doanh nghiệp công nghiệp và đơn vị quân đội; tổ chức sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị cho quân đội bảo đảm số lượng, chất lượng theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; năng lực công nghệ các dây chuyền được duy trì ổn định, từng bước nâng cao, sẵn sàng động viên khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như số lượng doanh nghiệp công nghiệp được khảo sát, lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị động viên công nghiệp còn ít, chỉ tiêu động viên công nghiệp cho các doanh nghiệp công nghiệp còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, chưa đồng bộ, thiếu tính quy hoạch, kế hoạch. Số lượng các dây chuyền động viên công nghiệp được triển khai xây dựng còn ít; sản phẩm động viên công nghiệp chưa đa dạng; việc đầu tư, nghiên cứu, thiết kế chế tạo và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm mới, lĩnh vực mới chưa có tính đột phá. Công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách về động viên công nghiệp còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội.
Để khắc phục những hạn chế trên cũng như để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của công nghiệp dân sinh vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã tập trung xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện tốt việc chuẩn bị và động viên công nghiệp đáp ứng nhu cầu thường xuyên và chiến tranh nếu xảy ra cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các thành phần tham gia động viên công nghiệp
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội và Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Tọa đàm thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp vào tháng 1/2024 (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu tại Tọa đàm thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hồi đầu năm 2024 tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh: Động viên công nghiệp là một nội dung của động viên quốc phòng, thể hiện quan điểm của Đảng ta về chiến tranh nhân dân, phương thức chuẩn bị và tiến hành chiến tranh nhân dân, chuẩn bị thế và lực sẵng sàng tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo vệ an ninh quốc gia. Từ thực tiễn các cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột xảy ra gần đây đều thấy rõ hơn vai trò của động viên công nghiệp, sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, chuẩn bị ngay từ thời bình và cần có những giải pháp mới về động viên công nghiệp để phù hợp với thực tiễn, huy động hiệu quả nhất tiềm lực công nghiệp quốc gia cho nhiệm vụ quốc phòng; phát huy nội lực, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn, thời gian kéo dài của chiến tranh.
Nhấn mạnh, động viên công nghiệp là một nội dung quan trọng trong dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Đây là nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm và chỉ ra những bất cập, hạn chế như: động viên công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; việc khảo sát, lựa chọn, quản lý cơ sở động viên công nghiệp chưa hiệu quả; đối tượng tham gia động viên công nghiệp chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử, làm hạn chế khả năng huy động năng lực, tiềm lực công nghiệp quốc gia tham gia động viên công nghiệp; việc huy động các doanh nghiệp công nghiệp để động viên công nghiệp chỉ được tiến hành nhỏ lẻ, riêng rẽ; chưa có quy hoạch tổng thể, kế hoạch thống nhất của Nhà nước; các dây chuyền động viên công nghiệp được đầu tư chưa có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao; sự kết hợp giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp dân sinh trong động viên công nghiệp còn thiếu chặt chẽ và chưa toàn diện…
Đánh giá cao công tác soạn thảo, thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) thống nhất cao với nhiều nội dung được bổ sung, chỉnh lý nhằm mở rộng phạm vi, đối tượng, lĩnh vực động viên công nghiệp. Trong đó, đã mở rộng huy động các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp; về sản phẩm động viên công nghiệp, về sản xuất vật tư phục vụ quốc phòng, an ninh; mở rộng về đối tượng sử dụng sản phẩm, đồng thời mở rộng chuẩn bị động viên công nghiệp từ thời bình.
Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có cách tiếp cận mới, bảo đảm hiệu quả huy động công nghiệp dân sinh. Trong đó, đối với động viên công nghiệp, điểm mới là không mang tính hành chính, hình thức mà có sự phân cấp, phân quyền, trong đó có các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, động viên công nghiệp không chỉ hạn hẹp trong lựa chọn một số doanh nghiệp, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà động viên có tính chất liên kết, một chuỗi quá trình từ thời bình đến thời chiến, không chỉ đối với cơ sở đơn giản mà với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có nền tảng.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Ảnh: chinhphu.vn) |
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viện công nghiệp đã được soạn thảo, xây dựng theo hướng phát triển mạnh các cơ sở động viên công nghiệp nhưng mục đích chính vẫn phải quản lý được các cơ sở theo cách thức hiện đại hơn. Dự thảo Luật cũng giao Bộ Quốc phòng xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký, quản lý doanh nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp, khi có yêu cầu có thể động viên ngay một cách hiệu quả. “Phải quản lý được hệ thống động viên công nghiệp thông qua cơ chế chính sách như đặt hàng sản phẩm để doanh nghiệp thực hiện, từ đó tạo nguồn lực và theo dõi được năng lực của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trong động viên công nghiệp”, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, động viên công nghiệp là một nội dung của động viên quốc phòng và là một trong những nội dung quan trọng trong dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Để chuyển hóa động viên công nghiệp thành tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, cần có giải pháp mới để động viên quốc phòng. Trong đó cần thiết phải mở rộng lĩnh vực, đối tượng động viên công nghiệp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công tác chuẩn bị động viên công nghiệp cho từng trạng thái; việc giao chỉ tiêu động viên công nghiệp; đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm động viên công nghiệp; quản lý, duy trì năng lực dây chuyền động viên công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu khi có tình huống; vai trò của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt trong việc duy trì, hỗ trợ các cơ sở động viên công nghiệp. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia trực tiếp động viên công nghiệp …