Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3: Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ sản xuất quốc phòng

Thứ Hai, 24/06/2024 18:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Nhằm hướng tới phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại và lưỡng dụng theo phương châm tự lực, tự cường, cần phải xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất, tránh sự lệ thuộc từ bên ngoài. Để làm được điều đó, cần có cơ chế tuyển dụng và chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Thu hút nhân lực chất lượng cao: Cần có cơ chế tuyển dụng và chính sách ưu đãi

Nhà máy Z129 đầu tư hệ thống máy công nghệ cao phục vụ sản xuất (Ảnh: Khánh Lan) 

Qua khảo sát thực tế tại một số nhà máy công nghiệp quốc phòng, lãnh đạo các đơn vị cho biết, hiện nay tại nhiều đơn vị xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và rất khó tuyển dụng lao động có trình độ tay nghề, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ sản xuất.

Minh chứng cho tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực đang xảy ra tại đơn vị, Thượng tá Nguyễn Hữu Đoan, Phó Giám đốc Nhà máy Z173 (Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hồng Hà) cho biết: Trong những năm gần đây, nhà máy luôn đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động trẻ và lực lượng kế cận. Trước đây, toàn nhà máy luôn có khoảng 60% nhân lực là đoàn viên, thanh niên nhưng hiện nay con số này chỉ là 6%.  Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là rất nhiều người lao động tay nghề cao, gắn bó lâu năm nhưng cũng xin chuyển công tác. Một phần là do thu nhập chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ nhưng điều quan trọng nhất là họ đã có thời gian cống hiến lâu năm mà vẫn chưa hoàn thành ước mơ trở thành công nhân, viên chức quốc phòng, cao hơn nữa là được chuyển quân nhân chuyên nghiệp, được chính thức mặc trên mình bộ quân phục, một biểu tượng tự hào, hãnh diện của những người yêu quân đội, yêu đất nước, bởi chỉ tiêu biên chế mỗi năm vào công nhân, viên chức quốc phòng chỉ được 5 đến 7 trường hợp trong khi số người lao động lên đến hàng nghìn người.

Nhà máy Z121 (Công ty TNHH Một thành viên Hoá chất 21) và Nhà máy Z129 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí chính xác 29) là hai nhà máy có doanh thu và thu nhập bình quân của người lao động nằm trong top các nhà máy có doanh thu lớn nhất trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (hơn 20 triệu đồng/tháng) song vẫn rất khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề cao và giữ chân người lao động lâu năm bởi với họ tiền lương chưa đủ hấp dẫn cũng như thiếu chế độ ưu đãi đặc thù.

Để thu hút được nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhằm hướng tới phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại hóa theo phương châm tự lực, tự cường, theo lãnh đạo chỉ huy các nhà máy công nghiệp quốc phòng cho rằng cần có những cơ chế tuyển dụng và chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đại tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Nhà máy Z121 chia sẻ, là đơn vị hạch toán kinh doanh nên lương của cán bộ, sĩ quan, người lao động tại nhà máy được hưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Vì thế, nếu được tăng chỉ tiêu tuyển dụng công nhân, viên chức quốc phòng cho nhà máy gần như không ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước. Điều thay đổi lớn nhất liên quan tới chế độ về bảo hiểm y tế (bảo hiểm cho bản thân và bảo hiểm cho người thân), bảo hiểm xã hội, hoặc trong trường hợp không may có rủi ro, người lao động sẽ được bảo hiểm theo các chế độ, chính sách của quân đội. Nếu làm được thế, các đơn vị công nghiệp quốc phòng sẽ giữ chân người lao động có tay nghề cao.

Liên quan đến việc làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, Đại tá Nguyễn Gia Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Nhà máy Z127 (Công ty TNHH một thành viên 27) đánh giá cao dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, trong đó có quy định về người đại diện theo pháp luật của công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và trả mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư theo thỏa thuận, tương ứng với nhiệm vụ được giao; người đứng đầu cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được sử dụng kinh phí chi thường xuyên giao hàng năm và nguồn thu hợp pháp để thuê chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, người có tài năng đặc biệt thực hiện được giao. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.

Được biết, trong quá trình xây dựng dự án luật, cơ quan soạn thảo đã xác định một trong những nội dung quan trọng là phải xây dựng được chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp quốc phòng , an ninh. Theo đó, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp quy định về chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp động viên.

 Đại tá Nguyễn Phi Trường, Chủ tịch Nhà máy Z129 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí chính xác 29) (Ảnh: Khánh Lan) 

Nhấn mạnh đây là những quy định hoàn toàn vượt trội so với các quy định hiện hành của các luật chuyên ngành, Đại tá Nguyễn Phi Trường, Chủ tịch Nhà máy Z129 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí chính xác 29) cho rằng, dự thảo Luật quy định về chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt, cơ sở công nghiệp động viên. Trong đó, xác định một số chế độ, chính sách đặc biệt, đặc thù, hoàn toàn vượt trội đối với đối tượng là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh như đàm phán mức lương, thưởng lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận, được giao thẩm quyền và trách nhiệm triển khai các chương trình, đề án khoa học và công nghệ, bảo đảm tính an ninh, an toàn...

Thúc đẩy hoạt động khoa học –công nghệ, phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Thúc đẩy hoạt động, khoa học, công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh là một trong 5 chính sách lớn đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Việc nghiên cứu để làm chủ công nghệ và tự sản xuất được cái loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ là cốt lõi của công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo đó, để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, yêu cầu về làm chủ khoa học, công nghệ luôn được đặt lên hàng đầu. Với mục tiêu thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã cụ thể hóa bằng các chính sách, khuyến khích, hỗ trợ, bảo vệ và trao quyền tự chủ để phát huy hơn nữa đổi mới, sáng tạo.

Xác định việc xây dựng các yêu cầu, nội dung trong hoạt động khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh là rất cần thiết trong điều kiện khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay, các nhà máy công nghiệp quốc phòng như Z127 (Công ty TNHH một thành viên 27), Nhà máy 173 (Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Hồng Hà), Nhà máy Z113 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13), Nhà máy Z189 (Công ty TNHH một thành viên 189) luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đây là ưu tiên hàng đầu nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, kế hoạch đề ra với kết quả cao nhất.

Công nhân Nhà máy Z173 (Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà) (Ảnh: Khánh Lan)

Là một trong những đơn vị đóng tàu hàng đầu của Quân đội – Nhà máy Z189 luôn quan tâm, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách trong hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; kịp thời động viên, thúc đẩy cán bộ, công nhân viên người lao động tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Trong giai đoạn từ năm 2018 –2022, Nhà máy Z189 đã thực hiện được 5 đề tài nghiên cứu cấp Tổng cục, 1 đề tài cấp cơ sở; phát huy 192 sáng kiến, giải pháp được áp dụng vào thực tế sản xuất đem lại hiệu quả cao, giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng, trong đó có 3 sáng kiến đoạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội. Những cá nhân có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến được khen thưởng xứng đáng, tạo điều kiện chuyển quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và nâng lương trước thời hạn... Sự động viên kịp thời giúp cán bộ, công nhân viên quốc phòng tại Nhà máy vững tâm, cống hiến hết mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cũng như Nhà máy Z189, trong thời gian qua, nhờ tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, Nhà máy Z113 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13) đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới. Trong đó, có một số sản phẩm trước đây phải nhập khẩu nay đã được Nhà máy tự chủ về sản xuất, góp phần tiết kiệm nguồn ngoại tệ, bảo đảm trang bi cho quân đội, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, đối với sản phẩm kinh tế, công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới dựa trên thế mạnh của đơn vị như lĩnh vực hóa nổ, cơ khí, từ đó, góp phần tạo ra sản phẩm chủ lực không những đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.

Liên quan đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tại đơn vị, Đại tá Nguyễn Quý Hoài, Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Z176 (Công ty TNHH Một thành viên 76) cho biết: Xác định đổi mới công nghệ, tự động hóa trang - thiết bị sản xuất luôn là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu, có vai trò rất quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nên trong những năm qua, Nhà máy Z176 luôn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tối ưu hóa sản xuất, dịch chuyển cơ cấu sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…. Qua đó, nhiều công trình, đề tài có hàm lượng kỹ thuật cao được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong thực tiễn, như: Ứng dụng công nghệ dán siêu âm tự động thay thế cho công nghệ may truyền thống nhóm sản phẩm Frakta; công nghệ xẻ vải microfie thay cho công nghệ may vắt sổ; công nghệ sản xuất các sản phẩm lều phục vụ xuất khẩu và nhiệm vụ quốc phòng; công nghệ kéo sợi tăng tỷ lệ nhựa phế liệu; công nghệ dán các sản phẩm dạng bơm hơi; công nghệ in Flexo; công nghệ sản xuất tấm nilon mưa và vải vinilon cán PVC trên máy cán 4 trục…

Thực  tế trên cho thấy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất trong các đơn vị công nghiệp quốc phòng, an ninh là một xu thế tất yếu khách quan. Chính vì vậy, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã cụ thể hóa chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, phục vụ phát triển công nghiệp, quốc phòng an ninh tại mục riêng. Trong đó, chính sách đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Theo dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật chuyên ngành, còn được trao quyền tự chủ trong quá trình hoạt động cũng như được bảo đảm đầy đủ các điều kiện cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Nhà máy Z121 trao Bằng khen, động viên công nhân viên có nhiều sáng kiến, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất (Ảnh: Khánh Lan) 

Đề cập đến những rủi ro, tai nạn xảy ra trong hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, Đại tá Nguyễn Gia Trọng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên 27 (Nhà máy Z127) cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học bao giờ cũng có hệ số rủi ro nhất định. Nhận thức rõ những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ từ khả năng nghiên cứu, thử nghiệm đến việc có thể xảy ra tai nạn, sự cố, cơ quan soạn thảo đã đề xuất và được Quốc hội đồng thuận để quy định trong dự thảo luật về trường hợp và điều kiện miễn trách nhiệm dân sự đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân khi thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định giao Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân trong quá trình thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nghiên cứu, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Đánh giá về các quy định trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp liên quan đến chính sách về khoa học công nghệ, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, chính sách về khoa học công nghệ của dự thảo luật đang bám rất sát với mục tiêu của việc xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh mang tính hiện đại, vượt qua chính sách đơn giản để đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ nền, công nghệ lõi, hướng đến làm chủ khoa học, công nghệ, hướng tới phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại hóa theo phương châm tự lực, tự cường./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN