Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng

Thứ Ba, 18/06/2024 09:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đảm bảo nguồn lực cho phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng an ninh, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân chính quy tinh nhuệ, hiện đại là một trong những chính sách cốt lõi được đề cập tại Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Bài 1: Chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự cường và lưỡng dụng

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ủy viên Ban soạn thảo, Tổ phó tổ biên tập dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Ảnh: Nguồn Báo Công an nhân dân)

Chính sách cốt lõi đảm bảo phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tập trung vào 05 chính sách nổi bật gồm: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.

Theo Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đây là những chính sách cốt lõi đảm bảo mục tiêu giải quyết những vấn đề đặt ra đối với Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp, gồm: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; tạo cơ sở pháp lý đảm bảo sự gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và công nghiệp quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tinh, gọn, mạnh, hiệu quả; hệ thống cơ sở động viên công nghiệp ngày càng lớn mạnh cả về quy mô, lẫn chiều sâu công nghệ; tiến hành đẩy mạnh đổi mới, nâng cao sáng tạo hoạt động khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ một số công nghệ mới và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đảm bảo nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. 

Nguồn lực tài chính, đầu tư - một trong những trụ cột cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là một trong những nội dung được chú trọng tại dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, liên quan đến nguồn lực về tài chính, đầu tư, điểm mới của dự thảo Luật là xây dựng riêng một mục về nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp; nguồn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ, nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, một trong những quy định mới là xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là quỹ được thành lập mới để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh; giúp chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực và chỉ sử dụng hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược...

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), Ủy viên Ban soạn thảo, Tổ phó Tổ Biên tập dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhấn mạnh, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh nhất là các nhiệm vụ cấp bách, nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn.

Thực tế hiện nay, đã có nhiều đề án, chương trình mục tiêu nhưng chưa được bố trí vốn, một số chương trình chỉ bố trí được một phần vốn kế hoạch đề ra do nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà ít được bố trí cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm. Trong khi đó, việc huy động nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa thu hút được các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Một khó khăn nữa là các chương trình, dự án lớn không thể tiếp cận được với nguồn vốn của các quỹ theo quy định của pháp luật như Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp...

Để giải quyết thực trạng trên, theo Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cần hình thành một quỹ tài chính để hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây được coi là giải pháp, cơ chế đặc thù vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, đảm bảo hiệu quả, khả thi trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách; phục vụ cho công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại, lưỡng dụng

Nhà máy 121 đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều chủng loại pháo hoa đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi mỗi dịp Tết đến Xuân về (Ảnh: Khánh Lan)

Trước hết, phải khẳng định rằng, bên cạnh việc sản xuất phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong những năm qua, các đơn vị công nghiệp quốc phòng đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội.

Nhà máy Z121 (Công ty TNHH Một thành viên Hoá chất 21) trực thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, có nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm quốc phòng phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Nhà máy thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược được Đảng, Nhà nước, quân đội giao cho là tiếp tục sản xuất các loại hoả cụ, trang bị phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội; đồng thời, tham gia sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế quốc dân. Đến thời điểm hiện nay, Nhà máy đã tập trung nguồn lực, đầu tư nhiều dây chuyền mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, vừa giữ vững năng lực sản xuất quốc phòng, vừa phát triển sản xuất các mặt hàng kinh tế đảm bảo việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Với định hướng mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, có tính lưỡng dụng cao, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, Nhà máy Z121 đã sản xuất và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng cao, được nhiều đối tác tin dùng như: Kíp nổ vi sai an toàn, kíp nổ vi sai phi điện... Việc sản xuất và đưa vào tiêu thụ các loại kíp nổ vi sai đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của công nghiệp khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước hàng triệu USD do không phải nhập từ nước ngoài. Cùng với đó, Nhà máy đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất pháo hoa nổ. Sản phẩm pháo hoa nổ của Nhà máy đã nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản và Mỹ; đồng thời phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật pháo hoa của đông đảo Nhân dân trong các dịp lễ tết... Bên cạnh pháo hoa nổ, từ năm 2020 đến nay, khi Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Về quản lý, sử dụng pháo” có hiệu lực, Nhà máy đã nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều chủng loại pháo hoa đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Đại tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Nhà máy Z121 (Ảnh: Khánh Lan) 

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Chu Việt Sơn, Giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, dây chuyền sản xuất của Nhà máy vừa phục vụ yêu cầu sản xuất quốc phòng, vừa đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân. Với sự đóng góp của các sản phẩm kinh tế, doanh thu của nhà máy tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Trong năm 2023, với mức doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, Nhà máy Z121 trở thành một trong những đơn vị có doanh thu lớn nhất của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Phát huy lưỡng dụng của dây chuyền sản xuất giúp nhà máy có thêm nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị, máy móc, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm quốc phòng và các sản phẩm kinh tế, đặc biệt là tạo việc làm ổn định cho cán bộ nhân viên và người lao động.

Với chủ trương là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ cao, tập trung nghiên cứu các sản phẩm kinh tế có thế mạnh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, trong những năm gần đây, Nhà máy Z113 (Công ty TNHH một thành viên Cơ khí hóa chất 13) đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm mới. Trong đó, có một số sản phẩm trước đây phải nhập khẩu nay đã tự chủ về sản xuất, góp phần tiết kiệm nguồn ngoại tệ, bảo đảm trang bị cho quân đội, phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đối với các sản phẩm kinh tế, Nhà máy đã sản xuất được các sản phẩm hóa nổ, cơ khí chủ lực không những đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước còn đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế, hướng tới xuất khẩu.

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo hành lang pháp lý cần thiết để Nhà máy Z121, 113 và các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại phát triển công nghiệp lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN