Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 1: Chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự cường và lưỡng dụng

Thứ Hai, 17/06/2024 12:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hiện nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, trong đó xác định việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là cần thiết, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Bài 2: Huy động nguồn lực, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng

Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh động viên công nghiệp nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Công nhân nhà máy Z127 sản xuất các sản phẩm xuất khẩu (Ảnh: PV)

Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội khoá XV; Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 06/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai trình tự, thủ tục theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình soạn thảo, Bộ Quốc phòng đã Tổng kết Pháp lệnh Công nghiệp Quốc phòng, Pháp lệnh Động viên công nghiệp và Bộ Công an đã tiến hành tổng kết kết quả xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay; đã quán triệt, cập nhật những quan điểm chủ trương, đường lối mới của Đảng về phát triển Công nghiệp quốc phòng, Công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp các quy định của dự thảo Luật trong hệ thống pháp luật; đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về mô hình tổ chức, quản lý, cơ chế, chính sách đối với Công nghiệp quốc phòng, Công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; xác định những vấn đề bất cập, trọng tâm cần tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, bám sát tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện thể chế phải “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo” và phải có cơ chế, chính sách đặc biệt cho những lĩnh vực đặc thù của Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Sau khi hoàn thiện dự thảo, Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi xin ý kiến 37 đầu mối gồm các Bộ, ban, ngành, địa phương; tiến hành đăng tải công khai Hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng; về cơ bản các ý kiến nhất trí với dự thảo. Ngày 24/8/2023, tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua Hồ sơ dự án Luật, trong đó nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù theo chủ trương, quan điểm, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 30/8/2023). Đồng thời, giao cho Cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 428/TTr-CP ngày 03/9/2023 của Chính phủ trình Quốc hội.

Tại Phiên họp lần thứ 26 ngày 21/9/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến về Dự án Luật và có Thông báo kết luận số 2832/TB-TTKQH ngày 02/10/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội. Sau khi nghiên cứu Thông báo số 2832/TB-TTKQH và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 1372/BC-UBQPAN15 ngày 19/9/2023 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Chính phủ có Báo cáo số 550/BC-CP ngày 13/10/2023 về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tại 02 văn bản này.

Ngày 18/10/2023, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 9 tiến hành thẩm tra chính thức đối với dự án Luật và thống nhất Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Về cơ bản, các đại biểu tham dự và Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng Hồ sơ dự án Luật; nhất trí, đồng thuận cao về sự cần thiết ban hành Luật.

Ngày 26/4/2024, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương; đã hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Ảnh: NguồnTổng cục CNQP) 

Để chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật công phu, kỹ lưỡng và đạt được nhất trí, đồng thuận cao về sự cần thiết ban hành Luật, Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cho biết: Trong bối cảnh, thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, đặt ra yêu cầu phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, trong đó phải xây dựng được tiềm lực về Công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, phát huy nội lực là yếu tố quyết định để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống. Do đó, nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức to lớn đối với sự phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong thời gian tới. Nhiệm vụ này luôn được Quân ủy Trung ương, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, việc xây dựng Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp cơ bản tạo nền tảng cho Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng Luật cũng chính là tạo hành lang pháp lý để Công nghiệp quốc phòng, an ninh có thể làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vai trò đặc biệt quan trọng của Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong thực hiện các chiến lược về quân sự, quốc phòng, an ninh quốc gia; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật có nhiều chính sách mới, đặc thù, vượt trội

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương , 86 điều, nổi bật là 37 chính sách đặc thù về nguồn lực tài chính; nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách đối với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành... Mục tiêu xây dựng dự án Luật này nhằm thể chế hòa các chủ trương của Đảng, xây dựng phát triển công nghiệp, quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia.

Tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, trong đó phải có những cơ chế, chính sách vượt trội nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Đánh giá cao việc dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) cho rằng: Với 37 chính sách đặc thù, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, việc quy định về Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22) như dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết. Việc thành lập Quỹ này sẽ tập trung huy động nguồn lực, tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, tạo cơ chế đặc thù triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội
(Ảnh: Thanh Tùng) 

Liên quan đến nguồn lực về tài chính, đầu tư quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại biểu quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, điểm mới của dự thảo Luật là xây dựng riêng một mục về nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp; nguồn từ Quỹ hỗ trợ đầu tư, Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh và các quỹ, nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, một trong những quy định mới là xây dựng Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là quỹ được thành lập mới để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh; giúp chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực và chỉ sử dụng hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, phát triển sản phẩm quốc phòng, an ninh có ý nghĩa chiến lược...

Trong dự thảo Luật cũng thiết kế nhiều cơ chế cho hoạt động đầu tư sản xuất, ưu tiên đặc biệt cho dự án, chương trình có tính cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược. Cơ chế về tài chính trong Luật không chỉ có ở mục về nguồn lực mà còn nằm rải rác trong các quy định về chế độ chính sách cho các cơ sở Công nghiệp quốc phòng, an ninh nòng cốt. Dự thảo Luật đã hình thành cơ chế tài chính rất mạnh, góp phần tháo gỡ vướng mắc về nguồn lực tài chính, khắc phục việc nguồn lực có hạn nhưng lại đầu tư dàn trải, tản mạn. Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội khác để có những ưu tiên, hỗ trợ, nhất là với việc phát triển các sản phẩm có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt, mới, mang tính rủi ro cao./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN