Bài 2: Vì sao nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng?
(ĐCSVN) – Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động;… bằng sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Hội nghị Trung ương 8 khóa XII khai mạc sáng 2/10 - (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).
Như vậy có thể nói, sự gương mẫu, nêu gương là một phương thức lãnh đạo của Đảng mang ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc.
Nêu gương có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo
Nêu gương là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc, văn minh của nhân loại, là truyền thống đạo lý của dân tộc; nêu gương chính là hành động của mình tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội có tính thuyết phục, thuận lòng người. Nêu gương có vai trò dẫn dắt mọi người làm theo. Đảng ta đã dùng sự gương mẫu, nêu gương để lãnh đạo cách mạng. Đây là một phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ đầy giá trị nhân văn.
Trước hết, Đảng gánh vác trọng trách lịch sử là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, do đó sứ mệnh của Đảng phải là người đi tiên phong, dẫn dắt dân tộc, nói trước, làm trước, hy sinh trước. Phẩm chất đó một cách tự nhiên, thấm đẫmm khắc sâu trong ý thức, tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên, trở thành nguồn gốc làm nên bản lĩnh và sức mạnh của Đảng.
Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đáp ứng nguyện vọng bức thiết của lịch sử là đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Khẩu hiệu ấy đã tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên CNXH, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân - đó là đạo đức, là văn minh. Hình ảnh nhiều tấm gương chiến sỹ Cộng sản hy sinh anh dũng trước mũi tên, làn đạn của kẻ thù chống lại ách thống trị của thực dân đế quốc, đấu tranh đòi quyền lợi cho dân nghèo - đó là đạo đức, văn minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng ta là đảng cách mạng, là đảng lãnh đạo. Ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Vì vậy, lý tưởng cách mạng của đảng viên là phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Người chỉ rõ: Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc; đó là đạo đức, văn minh.
Cán bộ, đảng viên phải là người liêm chính, không tư lợi, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm… Có như vậy mới làm tròn bổn phận của người cán bộ, đảng viên, mới “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Bác Hồ đã dạy: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước".
Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư khoá XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị khoá XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.
Thực hiện chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong những năm qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đánh giá về kết quả đã đạt được, phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn và kịp thời đó, ý thức trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã từng bước được nâng lên, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn cho rằng, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Chính vì vậy, để phát huy vai trò nêu gương, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật khách quan. Tập trung kiểm điểm về chức trách nhiệm được giao; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội, không hứa “suông”. Như thế mới thật sự là nêu gương, là người gương mẫu. Bác Hồ và nhiều chiến sĩ cộng sản tiền bối đã nêu tấm gương sáng tuyệt vời về đạo đức cách mạng, suốt đời tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì nước vì dân.
Do đó, trong tình hình hiện nay, Đảng ta cần phải đề cao vai trò của nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu, coi đây là một phương thức lãnh đạo văn minh nhất.
Xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là ý chí chính trị của Đảng, là tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Vai trò nêu gương đang bị thách thức!
Trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu về tinh thần yêu nước dám hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhiều cán bộ, đảng viên đã hy sinh tính mạng của mình cho đất nước, giành độc lập dân tộc thoát khỏi áp bức bóc lột, đói nghèo. Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, xây dựng CNXH, nhiều đảng viên đi tiên phong trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế trở thành “đầu tầu”, làm gương sáng cho quần chúng học tập noi theo. Với tinh thần “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, nhân dân tin Đảng nói về Đảng với niềm tin yêu trân trọng và điều đó chính là uy tín của Đảng có sức mạnh to lớn, bền sâu trong nhân dân. Lời thề của mỗi đảng viên khi vào Đảng, trước đảng kỳ xin thề suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng cộng sản của Đảng…có ý nghĩa thiêng liêng và cao quí khắc sâu trong tâm trí mỗi người, là sức mạnh tinh thần to lớn để vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, lời thề và đức hy sinh của cán bộ, đảng viên đã và đang bị thách thức mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bởi bên cạnh những kết quả đạt được, những tác dụng tích cực, tiến bộ của cơ chế thị trường mang lại thì mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ, hàng ngày hàng giờ đến lợi ích của mỗi người, trong đó trước hết là sự phân hóa giàu nghèo trong Đảng và trong xã hội, sự phân hóa giữa thành thị và nông thôn, nhất là sự tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống đối với một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là đáng “báo động”.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống, suy thoái chính trị “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” là chủ nghĩa thực dụng, chạy theo đồng tiền, dùng đồng tiền để thăng tiến, thao túng, mua bán đổi chác. Tình trạng quan liêu thoái hóa biến chất, dùng tiền để chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy bằng cấp, chạy tội... Tệ nạn tham nhũng, lãng phí, lối sống xa hoa vẫn còn nghiêm trọng.
Chạy theo chủ nghĩa thực dụng, sùng bái đồng tiền, đã có những đảng viên sa ngã, xa rời lý tưởng cách mạng suy thoái về đạo đức lối sống vì tư lợi …làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm xấu đi hình ảnh các bộ, đảng viên, làm mất niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng đạo đức và lối sống ấy làm tổn hại đến bản chất của Đảng, làm giảm sút sức chiến đấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trong nhân dân, làm cho “cuộc chiến” giữ vững niềm tin với dân gặp nhiều khó khăn.
Để nhấn mạnh những yếu kém này tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Trong 05 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiên quyết thi hành kỷ luật Đảng 77.662 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 01 đồng chí Ủy Viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Có thể nói, “chưa bao giờ trong thời gian ngắn, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài được đưa ra kiểm tra kết luận, với 56 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật” – đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên UB Kiểm tra Trung ương cho biết. Với tinh thần xử lý nghiêm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, “bất kể họ là ai” là bài học dăn đe đối với những đảng viên cố tình vi phạm.
Tuy nhiên từ những con số trên, và sau những vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp cấp khiến dư luận đặt ra câu hỏi “nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã thực chất như lời thề khi trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc? việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đã có kết quả như Bác Hồ và Đảng ta mong muốn?
Băn khoăn với việc nêu gương của người đứng đầu, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư bày tỏ “Ai cũng nói lãnh đạo phải nêu gương, nói phải đi đôi với làm. Nhưng việc nêu gương của người đứng đầu, ở nơi này nơi khác vẫn chưa có kết quả”. Đồng chí Thân Thị Thư nêu, trong nhiều nguyên nhân chưa thực hiện tốt được chức trách nhiệm vụ được giao có nguyên nhân của việc nêu gương của người đứng đầu chưa có kết quả. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là “trong trước ngoài sau, trên trước dưới sau, làm từ trên xuống”, nhưng nếu ở cấp trên không chỉ ra được thì ở dưới làm sao chỉ ra được?. Để có lòng tin của dân với Đảng, thì cần phải nêu gương. Trên phải làm gương, nói đi đôi với làm, và phải từ trên xuống.
Cũng về vấn đề này đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng – Ban Tổ chức Trung ương tâm tư: “Trước, quần chúng mong vào Đảng, phấn đấu vào Đảng thì bây giờ người ta nhìn vào gương đảng viên có thực sự gương mẫu không?. Có thực sự để cho người ta học tập, noi theo và phấn đấu không?. Chứ bây giờ không ít những đảng viên không hơn gì quần chúng lắm. Vậy thì tấm gương để người ta phấn đấu, học tập noi theo là thế nào?”.
Những cán bộ được sinh ra, trong điều kiện bổ nhiệm “thần tốc”, “cả họ làm quan”… thì lấy gì để nêu gương? Và cũng thật khó mà mong mỏi họ sẽ trở thành tấm gương sáng, bởi chuỗi năm tháng ngồi trên ghế quyền lực, họ chỉ chăm chú vào việc vơ vét kiếm tiền và chạy chức giữ ghế để leo cao hơn... Những người cán bộ như thế có thể gọi là tấm gương không?.
Có người cho rằng, trước đây, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự thiêng liêng của mỗi người cũng như cả gia đình, dòng họ. Bây giờ, không ít người lại “ngại” vào Đảng. Phải chăng hình ảnh của những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất vừa qua đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm.
Với những yếu kém trên cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng bằng nêu gương hiện nay đang bị thách thức và nó đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng và niềm tin giữa Đảng với dân, dân với Đảng. Thực tế này cho thấy, đã đến lúc phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn và tăng cường củng cố phương thức Đảng lãnh đạo bằng sự nêu gương, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Đây là một tất yếu, tự nhiên và là văn hóa lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền./.