Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp nào để qui định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống?

Thứ Tư, 24/10/2018 09:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

LTS: Nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là giá trị đạo đức mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bằng những hành động, việc làm và sự hy sinh của những cán bộ, đảng viên trung kiên đã nêu tấm gương sáng cho quần chúng noi theo đứng lên giành độc lập dân tộc. Ngày nay trong điều kiện đất nước được độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên lại càng có vai trò ý nghĩa quan trọng, và việc Hội nghị TW 8 khóa XII thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương là sự cần thiết, cấp bách để xây dựng Đảng ta là đạo đức là văn minh.

Bài 1: Học và làm theo Bác về nêu gương của cán bộ, đảng viên

(ĐCSVN) -  Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam là tấm gương mẫu mực về sự tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Quan điểm, tư tưởng về nêu gương của Người là chỉ dẫn, là động lực tinh thần to lớn, một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, nhất là lãnh đạo cấp cao, đứng đầu.

Bài 1: Học và làm theo Bác về nêu gương của cán bộ, đảng viên


Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
 ngày càng được nhân rộng, lan tỏa.

Từ lời nói đến hành động

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết nói về sự gương mẫu, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”,… để nói về người đầy tớ công bộc của dân. Người cho rằng, cán bộ đảng viên phải là: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “cán bộ đảng viên không được kêu đói khi dân chưa no”… chân lý ấy chính là tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên tự phê bình khắc phục những hạn chế thiếu sót của bản thân về mọi mặt, phải để cho quần chúng giám sát phê bình mình. Cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, đối lập với nói mà không làm là những người hứa suông, dân ta thường gọi là ông “hứa”, hoặc “nói một đằng,làm một nẻo”. Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước con mắt của nhân dân, họ không còn là người đầy tớ của dân nữa, mà là “quan của dân”, “bề trên của dân” và họ lãnh đạo, chỉ đạo sẽ chẳng ai tin và nghe theo. Và thực chất, họ đã tự tước đi vai trò của người lãnh đạo. Muốn hướng dẫn nhân dân, làm cho dân tin, dân nghe mình phải làm “mực thước”, hay chính là nêu gương tốt, lan tỏa “hữu xạ tự nhiên hương” để mọi người bắt chước làm theo.

Ðối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm tự phê bình mình như là một nhu cầu tự nhiên của cuộc sống. Bác từng nói: “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”, Người nói tiếp: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”. “Rửa mặt” hàng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Ðối với người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Ðối với công việc luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó không sợ khổ phải tận tâm tận lực hoàn thành tốt, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh...

Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo người đứng đầu là tấm gương cho cấp dưới; người này có thể làm gương cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, người đứng đầu chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng rèn luyện để trở thành con người có đạo đức, lối sống, lành mạnh trong sáng, mà còn phải là tấm gương cho nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, tốt chống lại thói hư, tật xấu, những hành động quan liêu, tham nhũng…

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng mà phải bằng hành động, việc làm. Người đặc biệt quan tâm đến “hành động”, do đó, muốn tiến hành tốt các nội dung nêu gương, cán bộ, đảng viên phải làm những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Ðây là nguyên tắc trước hết, có vai trò cực kỳ quan trọng của việc nêu gương, nếu không sẽ làm mất uy tín cá nhân cũng như của tổ chức mình trước quần chúng. Chỉ có thống nhất giữa lời nói và việc làm thì người cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mới xây dựng được sự tin yêu của nhân dân, đây là yêu cầu rất quan trọng trong lãnh đạo cách mạng. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ hy sinh của Hồ Chí Minh là sự thống nhất trọn vẹn giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm; việc nêu gương tốt là hành động đạo đức cần có đối với người cách mạng.

Chúng ta còn nhớ, khi nước ta vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước...: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” và Người nêu gương “tôi xin thực hành trước” rất nghiêm túc. Qua những câu chuyện được ghi lại cho thấy tư tưởng nói và làm của Người luôn rõ ràng, thống nhất dù trong hoàn cảnh khóa khăn nhất Người vẫn kiên trì làm cho đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm, tiết kiệm sức lao động, thời giờ, tiền bạc; phải tiết kiệm từ cái nhỏ nhất đến cái to, không xa hoa, hoang phí, không phô trương hình thức…Cả cuộc đời Bác sống thanh bạch từ ăn, ở đến phương tiện sử dụng phục vụ công việc hằng ngày. Ðồ dùng cá nhân của Bác cũng rất giản dị và tiết kiệm.

Chính vì vậy, ngay cả khi ở cương vị Chủ tịch nước, Người cũng cho rằng đều là công bộc, đầy tớ của nhân dân, không cho phép mình sống xa hoa, lãng phí. Bởi Người tâm niệm: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp thì không có đạo đức”.

Để việc nêu gương đạt kết quả thực tế, Hồ Chí Minh chủ trương phương pháp lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục mình, giáo dục người, giáo dục lẫn nhau. Người thường xuyên quan tâm theo dõi những điển hình tiên tiến được phản ánh trên các báo trung ương, địa phương, ngành để tổng hợp và yêu cầu tìm cách nhân rộng. Năm 1969, trước khi đi xa, Bác góp ý cho các đồng chí Bộ Văn hóa tuyển chọn những gương tiêu biểu để xuất bản thành sách Người tốt, Việc tốt, Bác nhấn mạnh rằng cần nêu gương những người bình thường hằng ngày có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo. Những ý kiến của Bác thật sâu sắc dùng những gương tốt đối với công việc bình thường để nêu gương giáo dục, đây chính là đặc sắc về tư tưởng nêu gương của Bác.

Lan tỏa các điển hình làm theo Bác

Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với những nội dung toàn diện và sâu sắc hơn. Điều này là sự tiếp nối các chỉ đạo trước đó, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi lan tỏa, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định: Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cả nước thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện và đồng bộ.

Từ việc học và làm theo Bác đã có nhiều những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân, khắp các địa bàn trong nước. Nhiều đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, tác phong công tác gần dân, sát dân, vì dân, “nói đi đôi với làm”, “nói ít, làm nhiều”,... được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Học theo Bác phong cách gần dân, lắng nghe dân, các đồng chí lãnh đạo cùng với cấp ủy, chính quyền ở các tỉnh Tiền Giang, Thái Bình, An Giang, Hà Tĩnh… đã giải quyết được căn bản một số vụ khiếu kiện kéo dài của người dân, trong đó có những vấn đề khó, nhạy cảm, liên quan đến giải tỏa, đền bù đất đai; tập trung xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ, kéo dài; giải quyết các thủ tục hành chính nhanh, gọn. Hay như Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề cụ thể như: kê khống để nhận đền bù diện tích lúa bị thiệt hại, giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu kiện đông người vượt cấp... Kết quả chống tham nhũng, tiêu cực và giải quyết những bức xúc, nổi cộm của từng tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước đã mang lại không khí đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân.

Để phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã công bố công khai nội dung đăng ký của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng với 14 đồng chí bí thư cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và thực hiện Chỉ thị 05 trên báo Đồng Khởi, được nhân dân hoan nghênh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và nhiều địa phương trong cả nước đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đổi mới lề lối, tác phong làm việc, tập trung giải quyết công việc theo hướng khẩn trương, kịp thời, sâu sát cơ sở, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được nhân dân ghi nhận.

Nhiều mô hình mới trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được nhiều địa phương, đơn vị triển khai. Trước đây người dân ở Thủ đô Hà Nội vẫn phàn nàn “cán bộ, công chức, viên chức thiếu thân thiện, cửa quyền, hạch sách người dân…”, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Đảng bộ TP Hà Nội với quyết tâm cao đã triển khai nhiều mô hình mới như “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, “Nụ cười công sở”, gửi “thư xin lỗi”… với các tổ chức cá nhân khi giải quyết không đúng hẹn, không kịp thời. Tuổi trẻ Thủ đô đã chủ chủ động đăng ký nhiều phần việc như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Góc phố xanh, vỉa hè sạch”… với mong muốn góp sức xây dựng hình ảnh một Thủ đô Hà Nội xanh- sạch- đẹp.

Ở Bình Dương có mô hình “gần dân, sát dân và giúp dân”, với mục đích tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp, mô hình đã thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Hay mô hình “Nhân dân đăng ký 3 nội dung: Treo ảnh Bác nơi trang nghiêm trong nhà, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông”... Các mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, sức lan tỏa và sự tác động xã hội sâu sắc.

Không chỉ xuất hiện những mô hình hay, cách làm khéo, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05 tại nhiều địa phương trong cả nước đã có sự đột phá trong cách thức tuyên truyền để những nội dung của Chỉ thị đến được gần với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Nếu trước đây trong các đơn vị quân đội mỗi tháng kể một câu chuyện về Bác thì giờ đây mỗi ngày các chiến sĩ học tập và làm theo một hình mẫu về Bác Hồ; Quân đội biên soạn được 366 lời dạy của Bác Hồ với chuyên đề “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”; Xây dựng sân khấu hóa để tuyên truyền, đưa file lên mạng để quân đội, nhân dân cùng tham gia, góp thực hiện tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.

Hay ở tỉnh Bình Phước có mô hình “Đảng viên thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác”, theo đó, mỗi đảng viên đóng góp trên tinh thần tự nguyện từ 500 đồng - 1.000 đồng/1 ngày/1 đảng viên. Số tiền quỹ thu được hỗ trợ cho các đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Yên Bái 13/13 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đăng ký 14 mô hình với 197 tập thể và 96 cá nhân; hàng trăm tập thể, cá nhân ở cấp huyện thực hiện đăng ký. Đến nay, chào cờ, hát Quốc ca và sinh hoạt chính trị dưới cờ trở thành nghi thức thường xuyên.

Qua thực hiện Chỉ thị 05 chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng cao: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo và hướng dẫn đưa sinh hoạt chuyên đề nội dung học tập và làm theo Bác vào các buổi sinh hoạt chi bộ hằng tháng (mỗi cuộc sinh hoạt dành từ 30 - 45 phút cho việc sinh hoạt chuyên đề). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành kế hoạch tổ chức diễn đàn về vai trò của chi bộ trong giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thu được nhiều kết quả tích cực…

Bên cạnh những tập thể, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã xuất hiện những cá nhân điển hình với những việc làm thiết thực được cấp ủy ghi nhận, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Điển hình trong số đó phải nói đến xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên đầu tiên của Việt Nam đạt được Huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic; công nhân Trương Thái Sơn, được mệnh danh là “Vua sáng kiến” của Công ty Điện lực Chợ Lớn với hàng sáng kiến, làm lợi hàng chục tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Ngừng, thẩm phán trung cấp, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Trà Vinh đã xét xử 2000 vụ không có oan sai; bà Nguyễn Kim Lý, Trưởng ban từ thiện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã 20 năm gắn bó với công tác từ thiện, năm 2016 bà đã vận động, quyên góp được gần 6 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo; cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non An Hiệp, Tuy An, Phú Yên đã cùng đồng nghiệp cứu 15 cháu nhỏ thoát khỏi nước lũ; ông Hồ Xuân Tư, xã Xuân Hà, Xuân Lộc, Đồng Nai có nhiều sáng kiến trong kinh tế nông nghiệp giúp 135 hộ dân ở địa phương vươn lên thoát nghèo. Đó là Sư cô Thích Nữ Uyên Liên, Trụ trì chùa Phổ Quang, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ về quá trình nuôi dạy hơn 40 trẻ em mồ côi, trẻ hoàn cảnh khó khăn trong chùa …

Và còn rất nhiều những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền tôn vinh, thông qua các phương tiện thông tin báo, đài tuyên truyền tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Có thể nói, với những kết quả bước đầu, Chỉ thị 05 đã và đang trở thành đòn bẩy, tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ để mỗi tổ chức, cá nhân phấn đấu, nỗ lực không ngừng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Nguyễn Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN