Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Bài toán về ô nhiễm môi trường ở xã Quảng Phú Cầu bao giờ có lời giải?

Thứ Hai, 06/03/2017 15:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Như đã đề cập đến trong bài viết trước, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang khiến cho hàng nghìn người dân ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sống trong sự lo lắng, bất an.

Để tình trạng này sớm được giải quyết, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp và những cơ quan chức năng.

Rác thải tái chế phế liệu nhựa chất đống trên những con đường ở thôn Xà Cầu,
xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội).

Bế tắc trong xử lý ô nhiễm làng nghề Quảng Phú Cầu

Khách quan nhìn nhận, UBND xã Quảng Phú Cầu cùng lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã khá chủ động trong nắm bắt và xử lý những bức xúc của người dân xung quanh tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra tại địa bàn, song hiệu quả giải quyết vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), năm 2011, thôn Xà Cầu đã được UBND huyện Ứng Hòa đầu tư xây dựng bãi trung chuyển rác thải, diện tích khoảng 200 m2 tại khu vực Mả Cả, cạnh đường Quốc lộ 21B làm nơi tập kết rác thải sinh hoạt và rác thải từ thu gom, tái chế nhựa của thôn Xà Cầu. Địa phương đã ký hợp đồng để Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng vận chuyển về bãi chôn lấp rác thải Vân Đình của huyện Ứng Hòa để xử lý. Tuy nhiên, từ năm 2015, do lượng rác thải từ hoạt động thu gom nhựa phế liệu phát sinh nhiều nên đã tồn đọng khối lượng lớn tại bãi rác trung chuyển rác thải sinh hoạt. Có những thời điểm, rác thải phế liệu nhiều, đổ tràn ra đường đi vào bãi rác trung chuyển sát Quốc lộ 21B gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Mặt khác, do lượng rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu tồn đọng quá nhiều, không kịp vận chuyển, xử lý cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc đốt trộm rác thải làm phát tán mùi khét từ nhựa, cao su cháy và khói bụi gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trong xã Quảng Phú Cầu, trực tiếp là hơn 100 hộ dân với trên 500 nhân khẩu ở thôn Quảng Nguyên.

Vấn đề vận chuyển, chôn lấp rác thải nói chung và rác thải phát sinh từ thu gom, tái chế nhựa của thôn Xà Cầu nói riêng càng trở nên nan giải sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng thông báo dừng vận chuyển rác thải tái chế phế liệu. Cụ thể, ngày 26/9/2016, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng có văn bản số 210/CV-RSSH gửi UBND xã Quảng Phú Cầu thông báo Công ty chỉ thực hiện vận chuyển rác thải sinh hoạt, không vận chuyển rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu, do Công ty không có chức năng vận chuyển và xử lý rác thải công nghiệp.

Theo số liệu báo cáo của UBND xã Quảng Phú Cầu, chỉ tính đến cuối năm 2016, thôn Xà Cầu đã có khoảng trên 56 tấn rác thải phế liệu tồn đọng trong dân chưa được xử lý và gần 700 tấn nhựa phế liệu tồn đọng chưa được phân loại, chế biến. Với tình trạng rác thải tồn đọng như trên, nên thường xuyên diễn ra tình trạng đổ trộm rác thải bừa bãi. Thậm chí người dân còn mang rác thải đổ ra các khu vực cánh đồng và tiếp tục đốt trộm gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong và ngoài xã.

Cùng với đó, do hoạt động thu gom, tái chế nhựa nên trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu đã và đang xuất hiện tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo đồng chí Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, do nhu cầu mở rộng sản xuất nên có những hộ dân đã tự ý xây dựng bãi tập kết, nhà xưởng và đặt máy trên đất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền xã đã lập biên bản, có biện pháp xử lý nhưng vẫn có một số hộ dân lén lút vi phạm.

Ở một khía cạnh khác, tại Báo cáo số 2210/BC-STNMT-TTr, ngày 10/10/2016, của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội gửi UBND thành phố đã nêu rõ: Các hộ gia đình tại thôn Xà Cầu có hoạt động thu gom, tái chế phế liệu từ năm 2012, nhưng đến nay, UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Quảng Phú Cầu chưa tiến hành kiểm tra, xử lý, hướng dẫn các hộ gia đình tham gia hoạt động này thực hiện các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định và có các biện pháp phân loại, lưu giữ, xử lý rác thải phát sinh từ tái chế phế liệu. Hiện tượng đốt rác thải từ hoạt động thu gom, tái chế phế liệu chưa được UBND huyện Ứng Hòa, UBND xã Quảng Phú Cầu kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định; cùng với ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao nên vẫn còn hiện tượng tập kết rác bừa bãi, đốt rác trộm gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân trên địa bàn. Khi người dân có phản ứng gay gắt, tuy lãnh đạo chính quyền địa phương đã có những biện pháp cụ thể như: Sử dụng máy xúc đào đường vào bãi rác tự phát, đặt container bên đường Quốc lộ 21B để thu gom rác thải sinh hoạt của thôn Xà Cầu…, song đây chỉ là những biện pháp mang tính tình thế, tạm thời.

Đồng chí Hoàng Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa trao đổi với PV.

 

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp và những cơ quan liên quan

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang có xu hướng trầm trọng và những nguyện vọng chính đáng của người dân, thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm bài toán môi trường ở xã Quảng Phú Cầu cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp và những cơ quan chức năng liên quan.

Cụ thể, UBND xã Quảng Phú Cầu cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu để họ chấp hành tốt các quy định về phân loại, xử lý rác thải; không đổ rác, đốt rác gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, hộ gia đình vi phạm.

Cùng với đó, UBND huyện Ứng Hòa cần quan tâm chỉ đạo các ban, ngành chức năng sớm tổ chức cho các hộ gia đình thu gom, tái chế phế liệu đăng ký và thực hiện các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực môi trường; xem xét đề xuất của UBND xã Quảng Phú Cầu về việc xây dựng bãi trung chuyển rác thải của thôn Xà Cầu tại vị trí cánh đồng Cổ Cò với diện tích 1.000 m2, bảo đảm xa khu dân cư.

Tại buổi làm việc mới đây với PV Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Hoàng Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng UBND xã Quảng Phú Cầu tổ chức họp, đối thoại và động viên các hộ gia đình thu gom, tái chế phế liệu tham gia đóng phí thu gom, xử lý rác thải phế liệu với mức phí dự kiến là 3.000 đồng/kg rác, trong đó UBND huyện Ứng Hòa sẽ hỗ trợ 1.000 đồng/kg rác. Tuy nhiên, chủ trương này đến nay vẫn chưa được triển khai do nhiều hộ dân chưa đồng thuận với lý do mức phí xử lý rác thải phế liệu quá cao.

Về lâu dài, các cơ quan ban, ngành của thành phố Hà Nội cũng cần nghiên cứu, xem xét hỗ trợ huyện Ứng Hòa trong việc mở rộng Cụm Công nghiệp Xà Cầu với diện tích khoảng 10 ha và xây dựng Cụm Công nghiệp Cầu Bầu với diện tích 7,6 ha. Đây là giải pháp căn bản để sớm di dời các hộ dân hoạt động sản xuất các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư; đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh này vào các cụm, điểm công nghiệp để xử lý tập trung chất thải, nước thải phát sinh đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực.

Xin được nhấn mạnh là trong khi chờ đợi những giải pháp xử lý mang tính triệt để của chính quyền các cấp thì hàng nghìn người dân ở xã Quảng Phú Cầu vẫn đang vật lộn, chống chọi với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày thêm nghiêm trọng.

Trao đổi với PV, cụ Nguyễn Văn Hoạt, 82 tuổi, ở thôn Quảng Nguyên lo lắng chia sẻ: "Chúng tôi từng này tuổi thì có nằm xuống cũng được rồi, nhưng nếu tình trạng ô nhiễm này không sớm được giải quyết triệt để thì không biết rồi đây tương lai, cuộc sống của bọn trẻ trong thôn sẽ đi về đâu?".

Câu hỏi này cùng lời giải cho bài toán ô nhiễm môi trường tại xã Quảng Phú Cầu xin được dành cho chính quyền cùng cơ quan chức năng của huyện Ứng Hòa và thành phố Hà Nội./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN