Bài 1: Rác thải tái chế ở Ứng Hòa (Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
(ĐCSVN) - Được xem là một trong những địa phương tái chế rác thải lớn nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, người dân xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng…
Một số hình ảnh về bãi rác phế liệu nhựa ở xã Quảng Phú Cầu và buổi làm việccủa PV với lãnh đạo huyện Ứng Hòa
Chúng tôi về thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sau dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu khi tình trạng đốt trộm rác thải đã tạm lắng xuống, song phần đông người dân nơi đây vẫn rất bức xúc và lo lắng.
Anh Nguyễn Văn Tấn, người dân xóm 18, thôn Quảng Nguyên cho biết: “Bình thường các bãi rác tự phát luôn bốc mùi hôi thối nồng nặc vì lẫn cả rác thải sinh hoạt, rác thải sản xuất. Những hôm họ đốt trộm thì cả làng lại chìm trong khói bụi. Những cột khói đen bốc lên cao ngút, cùng với đó là mùi khét lẹt, khó chịu. Nhà nào cũng phải đóng cửa thật kín nhưng cũng chẳng đỡ được bao nhiêu. Trẻ em trong làng hầu hết đều phải đi viện vì mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Các hộ ở thôn Xà Cầu tái chế nhựa nhưng lại mang rác thải đến thôn tôi đốt là sao?”.
Tại thôn Xà Cầu, nơi được coi là “nguyên nhân” gây ra tình trạng ô nhiễm ở xã Quảng Phú Cầu thì môi trường cũng đang ở mức đáng báo động. Tìm hiểu được biết, thôn Xà Cầu có khoảng 800 hộ dân, trong đó có hơn 150 hộ thu gom, tái chế phế liệu nhựa và có xưởng tái chế tại nhà; trong đó có gần 100 hộ vừa thu gom, vừa tái chế phế liệu, chủ yếu là nhựa và cao su. Bình quân thôn Xà Cầu tiếp nhận hàng chục tấn rác từ nơi khác chuyển về mỗi ngày để chờ tái chế. Nghề tái chế rác đã giúp cho cuộc sống của người dân trong thôn trở lên khấm khá. Tuy vậy, do việc thu gom, tái chế, xử lý các loại phế liệu không đúng quy trình nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân thôn Xà Cầu.
Hoạt động tái chế diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, manh mún. Phần lớn các xưởng đều không có hệ thống xử lý chất thải, không có đồ dùng bảo hộ lao động. Khí thải, nguồn nước thải đều được xả trực tiếp ra môi trường xung quanh nên trở thành tác nhân gây ô nhiễm. Sau khi thu gom các phế liệu, người dân tổ chức phân loại phế liệu thành rác phế liệu và nguyên liệu để tái chế. Nguyên liệu là phế liệu (chủ yếu là ống nhựa cấp thoát nước; vỏ lon nước ngọt; vỏ chai nhựa các loại) sau khi rửa sạch sẽ được đưa vào máy nghiền thành hạt nhựa. Những thành phần phế liệu còn lại không tái chế được chuyển thành rác như: Vỏ nhãn mác của các chai nhựa, đồ gia dụng, xốp… Trung bình mỗi ngày, thôn Xà Cầu phát sinh tới hàng tấn rác thải phế liệu loại này.
Người dân thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú Cầu bức xúc phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường
Việc thu gom, tái chế phế liệu nhựa ở thôn Xà Cầu còn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu.
Theo phản ánh của nhiều người dân, trước đây thôn Xà Cầu là nơi có năng suất lúa thuộc loại cao nhất trong xã nhưng đến nay, nhiều diện tích ruộng lúa đã phải bỏ hoang hoá do bị ảnh hưởng bởi nguồn nước canh tác bị ô nhiễm. Con kênh Bắc Quảng Hoa có chức năng cung cấp nước phục vụ canh tác cho xã Quảng Phú Cầu đang ngày đêm bị “đầu độc” bởi hoá chất tẩy nhựa, dung dịch thừa trong các chai nhựa và nguồn nước thải từ các cơ sở tái chế phế liệu nhựa ở thôn Xà Cầu.
Đến nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng người dân trong thôn cũng rất lo lắng vì những năm gần đây, số người mắc bệnh hiểm nghèo, nhất là bệnh ung thư trên địa bàn đã không ngừng tăng lên.
Đã từng mất 2 người thân vì mắc bệnh ung thư, ông Nguyễn Văn Hiệp ở xóm 1, thôn Xà Cầu chia sẻ: “Nghề tái chế rác thải vốn rất độc hại, rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Biết là thế nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng làm để mưu sinh”.
Theo ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, từ tháng 9/2016 đến đầu năm 2017, người dân thôn Quảng Nguyên đã 2 lần phản ứng gay gắt trước việc một số người cố tình đốt trộm tại bãi rác tự phát. Người dân đã tập trung tại Quốc lộ 21B, gần vị trí bãi rác để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc này đã gây ách tắc cục bộ, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện trên Quốc lộ 21B, đoạn qua xã Quảng Phú Cầu. Trước tình trạng đó, lãnh đạo UBND xã Quảng Phú Cầu và lãnh đạo huyện Ứng Hòa đã kịp thời có mặt động viên người dân, sơ bộ xử lý việc đốt rác để ổn định tình hình tại chỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Những phản ánh của người dân trong xã về tình trạng ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Chúng tôi thực sự hiểu những bức xúc của bà con, nhưng chức năng, nhiệm vụ của xã có hạn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Phú Cầu, chúng tôi rất mong được sự quan tâm, giúp đỡ của huyện và thành phố”.
Đến nay, nguyện vọng của người dân thôn Quảng Nguyên, thôn Xà Cầu nói riêng và người dân xã Quảng Phú Cầu nói chung là đề nghị chính quyền các cấp phối hợp mở một khu tái chế rác riêng, cách xa khu dân cư. Đồng thời, có những biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước để sớm trả lại môi trường sống trong lành cho hàng nghìn người dân trong xã.
Việc đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân được chính quyền các cấp ở huyện Ứng Hòa thực hiện đến đâu, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo./.
(Còn nữa)