Bài 1: Hoàn thiện chính sách pháp lý tại địa phương về công tác bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Bình đẳng giới được xem là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển của xã hội, vừa là mục tiêu của sự phát triển bền vững. Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, để phụ nữ thể hiện được vai trò, vị thế của mình ở mọi mặt của cuộc sống.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đến thăm, tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơ Ro. |
Thực hiện Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh. Theo Ban Dân tộc của tỉnh, sau nhiều năm triển khai, tỉnh đã thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, để phụ nữ thể hiện được vai trò, vị thế của mình qua sự bình đẳng về quyền học tập, việc làm, sở hữu tài sản, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nghề, chuyên môn, kỹ thuật và được đề bạt giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các ngành, chính quyền các cấp, doanh nghiệp; khoảng cách giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình dần được thu hẹp.
Qua triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh, đến nay tại vùng dân tộc cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng được đảm bảo, cơ cấu cây trồng vật nuôi áp dụng phù hợp, các mô hình sản xuất mới bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, đời sống của đồng bào dần được cải thiện.
Báo cáo sơ kết của Ban Dân tộc nêu rõ, căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025”; Văn bản số 39/UBDT-DTTS ngày 16/01/2018 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 12918/UBND-VX ngày 11/12/2017 về việc hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 –2025, Văn bản số 790/UBND-VX ngày 24/01/2018 về việc thực hiện nội dung hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, với nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch, Ban Dân tộc đã ban hành Văn bản số 191/BDT-KH ngày 24/4/2018 về việc hướng dẫn các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện, xây dựng Kế hoạch số 127/KH-BDT ngày 02/8/2018 của Ban Dân tộc về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025”.
Thực hiện Luật bình đẳng giới, các văn bản của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh, Ban Dân tộc đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác phụ nữ và bình đẳng giới tới toàn thể công chức, nhân viên thuộc Ban thông qua các buổi học Nghị quyết, sinh hoạt đảng, đoàn thể cơ quan, các hoạt động lễ kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10….
Nội quy, quy chế, các Chương trình, kế hoạch đề án triển khai nhiệm vụ chính trị của Ban trong quá trình xây dựng đều quán triệt những mục đích, yêu cầu, nội dung về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động đều tạo điều kiện cho công chức, nhân viên cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo sự bình đẳng nam nữ trong thực hiện nhiệm vụ cũng như chế độ, chính sách, quyền lợi được hưởng.
Trong công tác phối hợp, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng các kế hoạch: Kế hoạch số 74/KH-SLĐTBXH ngày 20/4/2018 về thực hiện duy trì và nhân rộng mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Kế hoạch liên tịch số 97/KHLTSLĐTBXH-BDT ngày 29/5/2018 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Dân tộc về tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nuôi con theo khoa học, nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em cho phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018; Kế hoạch số 169/KH-SLĐTBXH ngày 01/11/2018 về Hội thảo công tác bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2018; Chương trình số 59/CTrPH-BDT-ĐPTTH của Ban Dân tộc và Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai về Chương trình phối hợp công tác dân tộc, trong đó tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, dân quyền nhằm chống phá cách mạng Việt Nam gắn với việc lồng ghép về giới.
Ngoài ra, Ban Dân tộc đã phối hợp và tham gia góp ý xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án của các Sở, ngành có liên quan đến vùng dân tộc và miền núi, tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề như: phát triển nguồn nhân lực, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, trong đó luôn chú trọng quan tâm đến việc lồng ghép giới và bình đẳng giới.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới tại địa phương được thực hiện với nhiều hình thức phong phú góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức về giới của công chức, nhân viên về bình đẳng giới ngày càng tăng, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều hoạt động đã được tổ chức và mang lại hiệu quả tích cực, từng bước thay đổi nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành và thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Hoạt động các mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh, Câu lạc bộ về bình đẳng giới, Câu lạc bộ gia đình; Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp tục phát huy có hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, nâng cao vai trò của phụ nữ, từng bước thực hiện hiệu quả bình đẳng giới. Các địa chỉ nhà tạm, nhà lánh đã phát huy hiệu quả, khuyến khích đồng bào dân tộc quan tâm đến việc xây dựng tổ ấm gia đình, nuôi dạy con tốt, chăm sóc sức khỏe,… góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tạo hiệu ứng tích cực trong việc thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ./.