Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bắc Giang: Thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ Tư, 13/09/2023 09:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, khoảng cách chênh lệch về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang ngày càng được rút ngắn. Việc thực hiện quyền năng của phụ nữ DTTS, thực hiện bình đẳng giới chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Bắc Giang là tỉnh có khá đông đồng bào DTTS, 45 dân tộc với khoảng 257.000 người tập trung tại 5 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang, chiếm khoảng 14,26% dân số toàn tỉnh. ... Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào DTTS; từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới người DTTS tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tỉnh luôn cố gắng thực hiện tốt các chính sách hướng đến phụ nữ và trẻ em gái vùng DTTS; đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, pháp luật về BĐG khu vực này.

Mục tiêu của tỉnh đề ra là đến năm 2025, có 50% và đến năm 2030 có 60% cơ quan làm công tác dân tộc có lãnh đạo chủ chốt là nữ; lao động nữ DTTS làm công hưởng lương đạt 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030; giảm tỷ lệ lao động nữ DTTS làm nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống 50% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030. Đến năm 2025, có 95% phụ nữ DTTS có thẻ  y tế bảo hiểm y tế và 100% vào năm 2030; Tỷ lệ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ DTTS đạt ít nhất 5% vào năm 2025;…

Phụ nữ DTTS Bắc Giang ngày càng thể hiện quyền bình đẳng của mình. Ảnh minh họa: Tiến Đạt/baobacgiang 

Đề thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu sự vào cuộc, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, địa phương: ngành Lao động – thương binh – xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, Hội phụ nữ, ủy ban nhân dân các cấp; lồng ghép các chương trình, mục tiêu, dự án hỗ trợ giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 - 2025”…

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện các chương trình, chiến lược về công tác cán bộ, trong đó chú trọng kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác BĐG; đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, về phụ nữ và trẻ em gái, về phòng, chống bạo lực gia đình, công tác cán bộ nữ, nội dung bình đẳng giới đến người dân vùng đồng bào DTTS với nhiều hình thức phong phú, phù hợp.

Để việc phổ biến, tuyên truyền được hiệu quả, các sở, ngành của tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong lồng ghép tuyên truyền nội dung bình đẳng giới trong các hội nghị, tập huấn, tọa đàm trong các chương trình văn nghệ, hội diễn, hội thi. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 47 hội nghị tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền kiến thức, pháp luật, nâng cao năng lực về bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN cho gần 3.000 đại biểu là cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ chủ chốt và người có uy tín trong vùng DTTS. Các cấp Hội phụ nữ tổ chức 1.526 hoạt động tuyên truyền về phụ nữ và trẻ em... Đặc biệt, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được tập trung đẩy mạnh, góp phần giúp chị em phụ nữ DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng và những hủ tục.

Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho người lao động vùng DTTS&MN; tổ chức 15 hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 668 lao động ở các thôn, xã vùng DTTS&MN. Các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 196 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã và phối hợp tổ chức khóa học “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 1.000 hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, trong đó có 675 phụ nữ DTTS…, hàng trăm lượt phụ nữ được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng DTTS.

Đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang trao đổi với phóng viên. 

Đến nay, theo thống kê, 55% hộ gia đình DTTS được tiếp cận thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới; 50% học sinh DTTS được tuyên truyền về giới và bình đẳng giới; 50% cán bộ làm công tác dân tộc, bình đẳng giới và người có uy tín vùng DTTS được phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về BĐG… khoảng cách chênh lệch về giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào DTTS ngày càng được rút ngắn. Việc thực hiện quyền năng của phụ nữ DTTS, thực hiện bình đẳng giới chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, các chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống của đồng bào DTTS mà còn góp phần thúc đẩy bình đẳng giới khu vực này, cải thiện đáng kể chất lượng sống của phụ nữ DTTS. Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS không phải dễ thực hiện, do đó trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí cho nhân dân khu vực này; đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức; lấy chính đồng bào làm tuyên truyền viên để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu tránh gây rườm rà, lãng phí thời gian, công sức và tiền của cho công tác này./.

Thương Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN