Bắc Giang, Hà Giang nhận giải dự án khởi nghiệp tiêu biểu của phụ nữ miền Bắc
(ĐCSVN) - Vượt qua 32 dự án đến từ 18 tỉnh, thành phố, dự án "Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ Sâm nam núi Dành" của tỉnh Bắc Giang đã xuất sắc đoạt giải Nhất; dự án "Ươm, trồng cây Giang rừng" của tỉnh Hà Giang giành giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và đồng chí Trần Lan Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi trao giải Nhất cho các ứng viên. |
Tại lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp cấp vùng khu vực miền Bắc năm 2023, diễn ra ngày 8/9, Ban Tổ chức đã trao giải Khuyến khích cho 16 dự án, giải Ba cho 7 dự án, giải Nhì cho 5 dự án, giải Nhất cho 3 dự án. Trong đó, dự án “Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm từ Sâm nam núi Dành” của đại diện Hội LHPN tỉnh Bắc Giang - HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung, huyện Tân Yên do bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã đã xuất sắc đạt giải Nhất.
3 dự án của Hội LHPN tỉnh Hà Giang gồm: dự án "Ươm, trồng cây Giang rừng" của chị Đinh Thị Thu (huyện Bắc Quang) giành giải Nhì; dự án "Phát triển cây đậu tương bản địa thành vùng nguyên liệu cho cơ sở chế biến đậu natto xuất khẩu" của chị Ly Thị Sóng (huyện Hoàng Su Phì) và dự án "Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa nghề thêu dệt thổ cẩm cải thiện đời sống cho cộng đồng người dân tộc Pà Thẻn" của chị Tải Thị Mai (huyện Quang Bình) giành giải Khuyến khích.
Được phát động vào ngày 17/3/2023, cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023” với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Cuộc thi được tổ chức nhằm lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi; phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công, tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; bổ sung số lượng vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, của đất nước; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Các hoạt động của Cuộc thi có ý nghĩa to lớn trong việc cộng hưởng giá trị từ các thành tố trong hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhiều nguồn lực nhất có thể nhằm hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện để có đội ngũ nữ doanh nhân nhiệt huyết, năng động và hoạt động chuyên nghiệp, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa và công nghệ số; đồng thời thúc đẩy hoài bão, ước mơ cống hiến cho quê hương của các tầng lớp phụ nữ trong phát triển nguồn tài nguyên bản địa, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; đồng thời góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn, thành thị; vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, năm nay Cuộc thi nhận được 2.024 dự án/ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên toàn quốc gửi tham gia, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ 63 tỉnh thành, tăng hơn 30% so với năm trước. Có 184 dự án trong số các dự án khởi nghiệp trên được lựa chọn vào vòng thi bán kết cấp vùng. Qua các vòng chấm đã có 68/184 dự án được lựa chọn tham gia vòng chung kết cấp vùng tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Trong số 68 dự án tham gia vòng chung kết cấp vùng, cấp vùng khu vực miền Bắc có 32 dự án của phụ nữ đến từ 18/25 tỉnh thành ở khu vực này; thuộc nhiều lĩnh vực như Nông, lâm, ngư nghiệp; Công nghiệp chế tạo; Chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp; Giáo dục, du lịch.../.