Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập gần 300 tổ ngư dân đoàn kết khai thác hải sản
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 6.294 tàu cá, với tổng công suất máy chính là 1.107.736CV, trong đó tàu có công suất máy chính từ 90CV trở lên 2.840 chiếc/1.026.821CV.
Thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tăng cường hướng dẫn ngư dân các địa phương có đội tàu khai thác hải sản thành lập tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển theo quy định, theo đó, đã thành lập được 293 tổ, với 1.823 phương tiện.
Qua đây, các ngư dân khi tham gia tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, chuyển tải sản phẩm từ tàu về bờ, tăng cường thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và hạn chế rủi ro gặp phải khi hoạt động trên biển. Hình thức hợp tác khai thác trên biển được hình thành chủ yếu là cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa phương cư trú, cùng dòng họ và người thân trong gia đình tự thỏa thuận, hợp tác, liên kết khai thác, vận chuyển sản phẩm, cứu nạn, cứu hộ trên biển khi có sự cố.
Thông qua sinh hoạt của các tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các tàu cá khai thác hải sản của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện cũng đều đã trang bị các thiết bị máy móc hàng hải hiện đại như: máy định vị vệ tinh GPS, Icom, Movimar, máy đo sâu, dò cá; ra đa hàng hải; máy thu lưới, thu câu; máy tời thủy lực. Công cụ đánh bắt hải sản cũng không ngừng được cải tiến để khai thác có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có tính chọn lọc và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Từ đó cơ cấu tàu thuyền khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng vươn ra khơi xa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác, phù hợp với mục tiêu của tỉnh đặt ra, sản lượng khai thác năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần ổn định an ninh lương thực, tạo ra một lượng nguyên liệu lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giải quyết việc làm, ổn định đời sống và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, từ đây, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, giảm dần áp lực khai thác gần bờ.
Để bảo đảm tính bền vững cho hoạt động khai thác hải sản, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang thực hiện chủ trương hạn chế, giảm dần và tiến đến không khai thác hải sản bằng nghề lưới kéo. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng số tàu làm nghề lưới kéo của ngư dân là trên 1.900 chiếc, giảm 25 chiếc so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 31,14% trong tổng số hơn 6.200 chiếc tàu đánh bắt hải sản của toàn tỉnh. Theo đánh giá của các ngư dân, nghề lưới kéo là nghề chính đem lại sản lượng khai thác hải sản của tỉnh, nhưng nghề này lại có nhiều nguy cơ làm tổn hại nguồn lợi thủy sản do lượng cá tạp nhiều, chính vì vậy mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương hạn chế và giảm dần số lượng tàu đánh bắt hải sản bằng lưới kéo, vận động các hộ chuyển sang nghề lưới rê, nghề câu.
Cũng nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành khai thác thủy sản, thời gian tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sắp xếp lại nghề khai thác thủy sản theo hướng giảm dần số lượng tàu cá đến năm 2020 còn 5.000 chiếc (tổng công suất 1.000.000CV). Đồng thời phát triển khai thác theo hướng hiện đại hóa, giảm dần số tàu nhỏ ven bờ, những nghề khai thác hủy diệt, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh phát triển các đội tàu thép và vật liệu mới có khả năng vươn khơi khai thác xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác, gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Mặt khác, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng từng bước chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền và lao động nghề cá, hạn chế và tiến tới xóa bỏ các nghề khai thác hủy diệt, nghề khai thác kém hiệu quả. Đối với một bộ phận ngư dân đánh bắt ven bờ sẽ chuyển đổi sang các ngành nghề thích hợp khác, phân cấp quản lý cho địa phương, gắn với việc phát triển kinh tế tập thể trong các cộng đồng ngư dân. Mô hình tổ, đội hợp tác đối với khai thác trên vùng biển khơi và mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ hiệu quả và an toàn cũng được tổ chức sắp xếp lại hiệu quả hơn. Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2010 đến nay, tổng sản lượng khai thác hải sản của địa phương này luôn tăng đều với mức tăng bình quân 3,48%/năm. Theo đó, sản lượng năm 2010 là 250.335 tấn, sản lượng năm 2015 đạt khoảng 297 nghìn tấn, bằng 109,75% chỉ tiêu mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đặt ra./..