Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

An Giang: Đột phá để phát triển ngành nông nghiệp

Thứ Ba, 08/12/2015 16:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long liên tục ở mức thấp trong nhiều năm qua, đồng bằng sông Cửu Long không còn mùa nước nổi, điều này đã và đang đặt ra những thách thức lớn. Những giải pháp ứng phó cấp bách, mang tính lâu dài, bền vững không chỉ rất cần cho nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, mà cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nông dân Cà Mau đang chăm sóc trà lúa Đông-Xuân. Ảnh: Kim Há/TTXVN

* Ứng dụng khoa học kỹ thuật 


Với gần 40 năm gắn bó với cây rau màu, ông Nguyễn Văn Thức, xã Khánh An, huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) mới chính thức triển khai mô hình vườn ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước công nghệ Nano hơn ba năm nay, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Tỷ lệ cây giống lên mầm đạt đến 100%, tỷ lệ sống đạt đến 90%, so với kỹ thuật truyền thống là 50%. 

Ông Thức cho biết, trước đây gia đình canh tác rau màu theo phương thức truyền thống, năng suất vừa thấp, tốn nhiều công chăm sóc, sâu bệnh nhiều… nên lợi nhuận mang lại không đáng kể. Từ ngày áp dụng kỹ thuật ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước bằng công nghệ Nano đã giúp tiết kiệm công chăm sóc, ít sâu bệnh, năng suất cao, đảm bảo an toàn vì hầu như không sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người trồng rau. Tuy chi phí đầu tư ban đầu hơi cao, nhưng chỉ một lần đầu tư là có thể sản xuất ổn định trong thời gian dài; tính ra vẫn lợi hơn nhiều so với cách làm truyền thống trước đây, ông Thức nhận định. 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân x ã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) Nguyễn Văn Lợi chia sẻ, Khánh An là một xã chuyên trồng rau màu của huyện An Phú, chủ yếu bà con xuất khẩu sang Campuchia, cho nên việc ứng dụng mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu … là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Xã đang quyết tâm triển khai nhân rộng trong những năm tiếp theo. 

Hơn 3 năm xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” tỉnh An Giang đã giúp bà con từng bước thay đổi nhận thức trong canh tác nông nghiệp, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững . 

Theo bà Đinh Thị Việt Huỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa hoạc Công nghệ tỉnh An Giang, thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy An Giang về Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hơn 3 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới với tổng diện tích khoảng 10.000 ha, trong đó tập trung sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, truy nguyên nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn chất l ượng của thị trường tiêu thụ. Các vùng sản xuất cụ thể gồm: Sản xuất lúa giống định hướng xã hội hóa giống lúa cộng đồng; sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết phát triển cánh đồng lớn; sản xuất các loại nấm bào ngư, linh chi, các loại nấm ăn khác và nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao; sản xuất rau an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGap; nuôi tôm càng xanh; trồng cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng…. 

Trong điều kiện hiện nay, biến đổi khí hậu cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, ứng dụng khoa học công nghệ cao nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là con đường tất yếu đưa nông nghiệp An Giang nói riêng, cả nước nói chung phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân , bà Huỳnh nhấn mạnh. 

* Tổ chức lại sản xuất 

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, biến đổi khí hậu đang có những ảnh hưởng rõ nét lên cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có An Giang. Đặc biệt năm nay, An Giang ghi nhận hiện tượng lũ thấp, có thể là thấp nhất trong vòng 40 năm qua; lũ không tràn đồng, phù sa không về, đồng đất không được tháo chua, rửa phèn, có nghĩa là vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân sẽ gặp không ít khó khăn khi phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng cao, năng suất lúa, lợi nhuận sẽ giảm đáng kể so với các năm trước. 

Hiện tượng lũ “nhỏ” bất thường như năm nay cho thấy trong tương lai biển đổi khí hậu sẽ còn nhiều tác động khó lường đến đời sống của người dân An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, trong đó ngành nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Lũ “nhỏ” đồng nghĩa với việc người dân mất đi nguồn lợi thủy sản trong mùa nước nổi; các sinh kế gắn liền với nó cũng không mang lại thu nhập, từ đó cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn hơn. 

Qua báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, sản lượng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục giảm theo từng năm; cụ thể năm 2001, sản lượng khai thác thủy sản đạt 96.570 tấn, năm 2005 là 51.329 tấn, năm 2010 trên 37.209 tấn... nhưng từ năm 2012, 2013, 2014 sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 30.380 tấn, giảm 22,5% so với năm 2010. 

Do đó, bài toán về quy hoạch, tầm nhìn chiến lược mang tính bền vững trong sử dụng tài nguyên đất, nước; bài toán kinh tế dựa vào sinh kế của dân... "đã đến lúc An Giang cũng như các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu long không thể dựa hoàn toàn vào nguồn tài nguyên tự nhiên sẵn có, mà phải tổ chức lại sản xuất, gia tăng các loại hình dịch vụ phi nông nghiệp, nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp", ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận định. 

Theo ông Thư, trước yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh An Giang đang chuyển từ tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, từ đó cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh; tập trung 4 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, trong đó cấu trúc lại cây lúa, con cá để thích ứng với thị trường; xây dựng trung tâm giống lúa, cá, rau màu tầm khu vực. 

Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, tỉnh khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, các trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, khu (vùng) nông nghiệp công nghệ cao và khu công nghiệp - nông nghiệp; đồng thời hoàn thiện, phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cả về quy mô và chất lượng để có mối liên kết bền vững; nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn” trên nhiều sản phẩm… 

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang đang triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp người dân “sống chung với lũ” như: Mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh ở huyện đầu nguồn An Phú; dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ, nhằm tăng cường khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên, nguồn n ước và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long. Qua đó chủ động điều tiết nguồn nước ngọt và kiểm soát lũ để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm ổn định sinh kế cho người dân; góp phần bảo tồn, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách bền vững; quản lý và bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Tiến tới, tỉnh đưa những vùng đê bao đang sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực bờ Tây và bờ Đông sông Hậu sang các mô hình sản xuất có hiệu quả cao hơn, như trồng lúa cao sản vụ Đông Xuân kết hợp trồng cỏ nuôi bò ở vụ Hè Thu và đất trống xả lũ tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên; trồng lúa cao sản kết hợp một vụ màu; trồng lúa mùa nổi kết hợp với màu và nguồn lợi thủy sản tự nhiên hay nuôi tôm càng xanh; trồng lúa cao sản kết hợp nuôi tôm càng xanh… Các mô hình này đảm bảo có thể ứng dụng tốt trong điều kiện không có lũ hoặc lũ lớn; vừa giúp trữ nước và thoát lũ chính vụ, trả lại hành lang lũ cho dòng sông… 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, là tỉnh có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, việc tổ chức lại sản xuất, thực hiện “tái cơ cấu ngành nông nghiệp” được xem như một cuộc cách mạng trong nông nghiệp của An Giang, nhằm hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Theo đó, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải theo cơ chế thị trường, đảm bảo các mục tiêu về nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân . 

Quá trình tổ chức lại sản xuất, Nhà nước đóng vai trò trung gian hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tại các vùng quy hoạch; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, tập huấn kỹ thuật và các chính sách khác có liên quan cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân tại các vùng quy hoạch sản xuất có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó khuyến khích nông dân góp cổ phần vào các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ bằng quyền sử dụng đất và các nguồn vốn khác để tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời thực hiện “Liên kết sản xuất và tiêu thụ” - gắn chặt trách nhiệm của doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất, qua đó người nông dân thể hiện được quyền của mình hay nói cách khác là quyền của người bán. /. 


Công Mạo/TTXVN


có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN