160 đại biểu được trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới
(ĐCSVN) - Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị Trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với sự góp mặt của 160 đại biểu huyện Mỹ Đức.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và cộng đồng, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, thông qua chương trình, Ban tổ chức cũng giới thiệu tới cộng đồng các dịch vụ công tác xã hội đang được cung cấp liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới để tiếp cận, sử dụng.
Chương trình phổ biến các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê liên quan thực trạng bạo lực trên cơ sở giới...
Không chỉ nêu lên những biểu hiện của hình thức bạo lực tình dục, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, kiểm soát hành vi…, các chuyên gia còn đề cập đến vấn đề bạo lực kinh tế - coi đây là một hình thức của bạo lực trên cơ sở giới với một số biểu hiện thường gặp, bao gồm: Chiếm đoạt, hủy hoại, cố tình làm hư hỏng tài sản riêng; cưỡng ép lao động quá sức; cản trở việc thực hiện quyền lao động; kiểm soát thu nhập nhằm tạo tình trạng phụ thuộc về tài chính…
Bằng những câu chuyện cụ thể từ thực tiễn hoạt động của những người làm công tác tư vấn và trợ giúp cộng đồng, trong khuôn khổ chương trình, chuyên gia và học viên đã cùng tương tác, trao đổi về các biện pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu, hội nghị truyền thông sẽ đem đến những kiến thức, những kỹ năng bổ ích, thiết thực để mọi người có thể nhận biết và ứng phó tốt với bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt, người dân sẽ mạnh dạn thông báo, tố giác tới cơ quan, đơn vị chức năng khi bản thân, người thân, những người xung quanh mình bị bạo lực để được trợ giúp kịp thời, hiệu quả.
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới luôn được Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em chú trọng thực hiện. Riêng về công tác tư vấn, trợ giúp đối tượng, trong kỳ báo cáo tháng 8, Trung tâm đã tiếp nhận tổng số 26 vụ việc với 28 đối tượng và 435 lượt tư vấn. Trong đó, tiếp nhận từ nguồn thông tin của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là 17 vụ việc, từ số hotline của Trung tâm 0243.2233.111 là 6 vụ việc…
Thông qua hoạt động trợ giúp và tư vấn, nhiều trường hợp đã được trợ giúp xã hội khẩn cấp, hoàn thiện hồ sơ quản lý.
Các chuyên gia lưu ý: Bất cứ ai là nạn nhân của bạo lực giới hoặc chứng kiến bạo lực giới cũng không nên giữ bí mật, im lặng, hoặc tự giải quyết khi không đủ khả năng; phải đặt việc ứng phó với bạo lực giới là một trong những mục tiêu để rèn luyện bản thân, giữ gìn hạnh phúc gia đình, an ninh trật tự xã hội, hạn chế nguy cơ rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Đặc biệt, cần nắm chắc các nguồn lực hỗ trợ khi rơi vào tình huống bạo lực giới. Nạn nhân của bạo lực giới có thể gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng 0243.2233.111 của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để được trợ giúp, kết nối trợ giúp kịp thời và hiệu quả. |