Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Yên Tử và cơ hội trở thành di sản thế giới - qua đánh giá của ICOMOS: Thách thức lớn nhất là về tính xác thực

Thứ Hai, 14/12/2015 15:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Giáo sư Hea Un Rii - chuyên gia ICOMOS (Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ của UNESCO) đã tham gia chuyến công tác thực tế tới Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử, trong phạm vi Quy trình tập trung của Uỷ ban Di sản thế giới. Sau chuyến đi này, bà đã có báo cáo về kết quả chuyến đi cũng như đánh giá về những tiềm năng đề cử Di sản thế giới của Yên Tử.

Ảnh minh họa

Nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu (OUV)

Quần thể di sản đề cử bao gồm 5 cụm di tích chính với 62 điểm di tích lịch sử và danh thắng, bao gồm: Khu di tích (KDT) Yên Tử, KDT nhà Trần tại Đông Triều, KDT Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh), KDT Tây Yên Tử (tỉnh Bắc Giang) và Quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (tỉnh Hải Dương). Qua chuyến đi, Giáo sư Hea Un Rii nhận thấy: Người Việt Nam coi khu vực này là một nơi rất quan trọng, không chỉ là nơi linh thiêng huyền bí mà còn chứa đựng giá trị văn hoá nổi bật ở ba cấp độ khác nhau.

Khẳng định các giá trị riêng của di sản đề cử, bà cũng nhìn nhận: Dãy núi Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm và từ đây lan toả tới khắp các vùng, miền. Như vậy, khu vực Yên Tử rất quan trọng đối với tôn giáo, hành hương và những khu vực linh thiêng ở Việt Nam. Phật phái Trúc Lâm ở khu vực này khá khác biệt so với phật giáo nguyên thuỷ đang chiếm ưu thế ở khu vực Đông Nam Á. Phật giáo nơi đây bắt nguồn từ Trung Hoa và phát triển theo hướng của Phật giáo Đại thừa. Cấu trúc không gian của đền thờ Phật giáo cũng hoàn toàn khác với cấu trúc không gian của những ngôi đền ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thậm chí, cách bố trí tượng Phật cũng rất khác biệt, mặc dù rất dễ dàng biết được con số của tượng Phật và các tượng khác...

Trong số các tiêu chí được Việt Nam đề cử, bà cho rằng tiêu chí II và III có thể phù hợp với di sản, tuy nhiên cần thực hiện nhiều phân tích so sánh chi tiết hơn nữa để chứng minh được lý do tại sao những nơi này vượt khỏi tầm quan trọng của quốc gia và đáp ứng được các điều kiện về tính xác thực và tính toàn vẹn. Giống như một số ý kiến trước đây, bà không đánh giá cao vẻ đẹp thiên nhiên của di sản đề cử khi cho rằng: Cảnh quan đẹp như vậy có thể tìm thấy được ở bất kỳ quốc gia khác, đặc biệt khi quan sát từ trên cao xuống các sườn đồi. Vì vậy, để chứng minh cho “vẻ đẹp tự nhiên” theo cách đó có thể rất khó khăn khi xét về tính ngoại hạng theo yêu cầu của tiêu chí VII.

Lo ngại về tính xác thực của di sản

Việc đề cử Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử nằm trên một diện tích lớn với 62 điểm di tích, thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương cũng không được đoàn công tác đánh giá cao. Bà cho rằng, 3 tỉnh có thể lựa chọn đại diện đề cử mang khía cạnh khác nhau như: Công trình kiến trúc, các công trình liên quan đến Phật giáo, đền thờ, miếu mạo mang ý nghĩa chung và tín ngưỡng truyền thống. Việc chọn các điểm di tích đề cử nên theo hướng mỗi điểm di tích sẽ góp phần vào OUV một cách riêng biệt và không lặp đi lặp lại, đồng thời đáp ứng được các điều kiện của tính xác thực.

Sở dĩ Giáo sư Hea Un Rii nhấn mạnh điều này là bởi qua chuyến đi thực tế khảo sát các di tích, bà đã nhận thấy có không ít vấn đề liên quan tới giá trị xác thực của di sản. Bà phân tích: Nhiều ngôi đền và miếu đã được tái tạo lại bằng các công nghệ mới. Ví dụ, toà nhà chính của Thiền viện được xây dựng ngay trên khu vực khai quật khảo cổ chùa Lân, điều đó có nghĩa rằng tính xác thực đã bị mất hoàn toàn. Những trường hợp như vậy được đoàn công tác phát hiện ở rất nhiều nơi. Khi các cấu trúc bị tái tạo lại, các thuộc tính như: Hình dáng và thiết kế; chất liệu và nội dung; ích dụng và chức năng; các truyền thống, kỹ thuật và các hệ thống quản lý; địa điểm và khung cảnh… không được coi là đầy đủ đối với điều kiện về tính xác thực. Do đó, bà cho rằng mối quan ngại về tính xác thực là đáng kể nhất và là điểm yếu nhất của đề cử tiềm năng này.

Khuyến cáo về công tác quản lý, bảo tồn

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và 3 tỉnh trong việc bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá, tuy nhiên Giáo sư Hea Un Rii cho rằng, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến phương pháp bảo vệ và bảo tồn di tích trong các khu vực dự kiến đề cử. Dẫn chứng về nhiều trường hợp cụ thể, bà cho rằng sau khi khai quật khảo cổ, một số khu vực đã không được bảo vệ đầy đủ. Tuyến cáp treo từ khu vực Hoa Yên lên chùa Đồng cũng bị xem là có tác động tiêu cực đến giá trị thẩm mỹ của cảnh quan nơi đây. Mộ tháp và các ngôi chùa được bảo tồn rất tốt, bởi chúng được làm bằng đá, tuy nhiên một số miếu thờ các vị sư tổ và tướng lĩnh quân đội, miếu thờ tín ngưỡng dân gian địa phương đã bị tu sửa và tái tạo theo công nghệ kiến trúc Việt Nam hiện đại, không giữ được tính xác thực.

Bà cho rằng, việc xây dựng một bộ máy quản lý tổng thể để kiểm soát là điều cần thiết cho di sản đề cử. Đồng thời, cũng cần thiết lập một hệ thống giám sát, cảnh báo và ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên và nhân tạo, đưa ra các giải pháp khoa học và hiệu quả hơn để quản lý di sản. Về phát triển du lịch, các giải pháp liên quan đến sự an toàn và cơ sở hạ tầng, thiết bị thuận tiện cho du khách nên được quan tâm đầu tư. Đặc biệt đối với các du khách leo núi bằng con đường hành hương thì cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế như trạm xá, xe cứu thương nên được bố trí gần lối ra vào, hoặc ít nhất các thiết bị sơ cứu nên được chuẩn bị...

Đánh giá tổng thể về di tích, Giáo sư Hea Un Rii nhấn mạnh rằng, quá trình đề cử Quần thể Di tích - Danh thắng Yên Tử của Việt Nam có thể được thực hiện một bước xa hơn nhưng chỉ khi những vấn đề nêu trên được giải quyết. Như vậy, cơ hội tôn vinh Yên Tử ở tầm thế giới đã mở ra, đồng thời đòi hỏi các tỉnh thành viên phải nỗ lực giải quyết những thách thức không nhỏ nếu vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.

Phan Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN