Yên Bái: Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
(ĐCSVN) - Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những năm qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, hiệu quả; qua đó, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.
Bám sát đặc điểm, điều kiện của một tỉnh miền núi, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Yên Bái đã đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức tốt việc niêm yết các văn bản, quy định mới; đăng tải trên cổng thông tin giao tiếp điện tử của các ngành, địa phương, đơn vị; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ dân phố, thôn, bản… Hằng năm, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, nhất là Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, xây dựng chương trình truyền thông, tuyên truyền với hàng trăm tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thông tin, tuyên truyền đã trực tiếp giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng có sự chuyển biến tích cực. Vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí, doanh nghiệp và nhân dân được tăng cường; hoạt động phản biện xã hội được mở rộng theo hướng ngày càng công khai, minh bạch đã góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Yên Bái. |
Song song với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Yên Bái đã quán triệt rộng rãi việc thực hiện nghiêm quy định công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kiểm tra, rà soát xung đột lợi ích ngay tại các cơ quan, đơn vị và trong quá trình thực hiện công vụ. Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu do buông lỏng quản lý, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Thủ trưởng các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng, triển khai các nội dung để phòng ngừa tham nhũng. Tập trung xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định…
Đặc biệt, các cấp, ngành, đơn vị nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các lĩnh vực được tăng cường công khai, minh bạch như: Tài chính, ngân sách; mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc sử dụng các khoản đóng góp, ủng hộ của nhân dân; quy trình giải quyết thủ tục hành chính; công tác tổ chức cán bộ... Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết để thực hiện và giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tỉnh Yên Bái, đó là đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cơ quan chức năng thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý một số trường hợp tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vai trò quan trọng của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp. Do có sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, xử lý án liên quan đến tội phạm tham nhũng, chức vụ nên các vụ án này đều được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xảy ra oan sai, bỏ lọt; chất lượng giải quyết án được nâng lên. Đồng thời, thông qua hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, đã chú ý làm rõ những “kẽ hở”, thiếu sót trong quản lý kinh tế - xã hội, nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, đặc biệt là nguyên nhân từ cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế để tham mưu với Tỉnh ủy, kiến nghị với UBND tỉnh, cơ quan hữu quan các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng được chú trọng; phần lớn tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ đều kịp thời thu hồi trả ngân sách Nhà nước.
Kiểm sát viên kiểm sát việc bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Hưng, Đội trưởng Trạm thu phí IC14, Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. |
Theo đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Yên Bái, quán triệt quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng và thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã không chỉ giúp củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, mà còn góp phần trực tiếp vào cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp các ngành trên toàn tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức… Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, thuế, công tác quy hoạch, bổ nhiệm.../.