Thi hành quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước
(ĐCSVN) – Diễn đàn Doanh nghiệp hướng tới thực hiện hiệu quả quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức diễn ra ngày 12/12, tại Hà Nội.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận nội dung của các quy định về phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được quy định ở Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ. Trong đó, tập trung một số nội dung cơ bản như: Sự cần thiết và phù hợp của các biện pháp phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; việc triển khai thực hiện quy định xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; các quy định phòng ngừa áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức mình).
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy kinh doanh liêm chính của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước ở cả thị trường trong nước và quốc tế, cụ thể là những quy định nội bộ của doanh nghiệp, khu vực ngoài nhà nước về các biện pháp PCTN. Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có nhiều chia sẻ hữu ích về cơ chế kiểm soát nội bộ và thanh tra từ bên ngoài nhằm đảm bảo liêm chính trong hoạt động kinh doanh, cũng như cách thức xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết: “Nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác PCTN với việc ban hành các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia về PCTN và nhiều quyết sách khác; đã tiến hành nhiều biện pháp PCTN cụ thể với những kết quả nhất định”.
“Nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng như tại các diễn đàn quốc tế song phương và đa phương khác. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư." Ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.
Quang cảnh hội thảo |
Theo ông Liêm, xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và ngày 01/7/2019, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018. Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên được dư luận rất quan tâm đó là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, kiểm soát xung đột lợi ích và chế độ trách nhiệm của người đứng đầu được áp dụng đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội.
Bà Catherine Phuong, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh: Việc thực hiện pháp luật đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía chính phủ mà còn từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động và tích cực trong việc thực hiện pháp luật và quy định, đồng thời phải đảm bảo thúc đẩy công bằng, bao trùm, liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chính hoạt động kinh doanh của mình./.