Yên Bài hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế
(ĐCSVN) - Là xã miền núi nằm ở phía nam của huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Yên Bài có 40% dân số là người dân tộc thiểu số. Với 80% người dân sinh sống bằng nghề nông nên đời sống của nhân dân nói chung, hội viên, phụ nữ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, để giúp hội viên, phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, Hội LHPN xã đã thành lập nhiều mô hình phát triển kinh tế gia đình, tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ.... tập trung duy trì hoạt động “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”.
Hội LHPN xã Yên Bài phối hợp với cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Ba Vì tiến hành kiểm tra, thẩm định phương án vay vốn của các hộ |
Theo đó, Hội LHPN xã đã chỉ đạo các chi hội phối hợp khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; giao chỉ tiêu giúp đỡ thoát nghèo, cận nghèo cụ thể cho các chi hội. Ngoài ra, chi hội phụ nữ còn phân công trách nhiệm cho từng cán bộ hội giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo trong năm bằng các hình thức như: giúp cây, con giống, vay vốn, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật và chăn nuôi, trồng trọt… để các hộ nghèo có điều kiện và thêm động lực vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, Hội đã chủ động, tích cực trong việc khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển kinh tế. Hiện, Hội Phụ nữ xã đang phối hợp quản lý các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, một số ngân hàng thương mại cho gần 500 hội viên vay phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Bài Nguyễn Thị Mỹ Bính cho biết, cùng với các hoạt động trên, Hội còn đẩy mạnh hoạt động phối hợp dạy nghề, tạo việc làm theo nhiều chương trình, dự án cho phụ nữ như: mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật, hộ có thu nhập thấp, nữ thanh niên..., tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được học nghề, tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật tiên tiến, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.
"Phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo được Hội phụ nữ xã triển khai từ năm 2018, bước đầu có hiệu quả, đã hỗ trợ giúp đỡ được 6 phụ nữ khởi sự kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng với tổng tiền là 350 triệu đồng. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế được được triển khai thực hiện sáng tạo với nhiều mô hình thiết thực hiệu quả, tiêu biểu như mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa.
Cụ thể, được sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, tháng 4/2014 tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa được thành lập với tổng số 30 thành viên. Ban đầu tổng số bò mới có 89 con, qua một thời gian hoạt động được sự quan tâm hỗ trợ về vốn, tới nay, tổng số bò của tổ hợp tác đã tăng lên gần gấp 3 khiến thu nhập tăng lên đáng kể từ đó, giúp chị em có tiếng nói hơn trong gia đình.
Hội viên, phụ nữ xã Yên Bài hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao” |
“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hội viên, phụ nữ xã đã phát huy tinh thần "tương thân, tương ái" giúp nhau không lấy lãi, có gì giúp nấy từ tiền tới cây, con giống. Chúng tôi còn vận động các nguồn lực giúp xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, chị em yếu thế cũng như tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm tặng học bổng, trao quà khuyến học cho con em phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên học tốt", chị Bình nói.
Để tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế, Chủ tịch Hội LHPN xã Yên Bài cho hay, Hội LHPN xã xác định tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”, gắn với cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao”.
Xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể giúp phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo của từng năm, tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tích cực và chủ động khai thác nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ nghèo; hỗ trợ vốn kết hợp với dạy nghề cho hội viên, phụ nữ.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vận động các doanh nghiệp nữ hỗ trợ vốn, con giống, nhằm tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ.
Vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia chuyển đổi hình thức sản xuất, cơ cấu kinh tế; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Cùng với ngành chức năng vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp với các ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ làm chủ phát triển làng nghề truyền thống gắn với việc thực hiện bảo vệ môi trường cũng như tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, kiến thức, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả giúp cho phụ nữ nông thôn có việc làm tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Thường xuyên thăm hỏi, động viên và nắm bắt kịp thời các thông tin, cũng như những nhu cầu nguyện vọng của các chị, em khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh, để kịp thời có giải pháp giúp đỡ cụ thể./.