Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý thức của mỗi cá nhân góp phần mang lại an toàn cho cả đất nước

Chủ Nhật, 25/04/2021 09:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Điều đó khiến Việt Nam đối mặt với nguy cơ xâm nhập dịch bệnh mỗi ngày.

Phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần sự chung tay, đoàn kết và ý thức, trách nhiệm của mỗi người (Ảnh: Hà Quốc Minh)

Trong tuần qua, số ca nhiễm ở Châu Á đã tăng 34%, trong đó, Ấn Độ là quốc gia đang có số ca nhiễm và số ca tử vong tăng mạnh nhất kể từ khi nước này bùng phát dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, trong ngày 24/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho hay nước này ghi nhận thêm 346.786 ca mắc mới COVID-19 và 2.624 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tại Ấn Độ, đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới 16,61 triệu ca, trong đó gần 190.000 người tử vong.

Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh cũng đang có những diễn biến khá phức tạp. Thái Lan trong ngày 24/4 cùng lúc ghi nhận số lượng ca mắc mới COVID-19 và số người tử vong vì đại dịch này theo ngày cao nhất từ trước tới nay. Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 24/4 xác nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 12 ca ngoại nhập, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ trước tới nay lên 53.022 ca. CCSA cũng xác nhận thêm 8 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 129.

Tại Campuchia, ngày 24/4, trong khi số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng ở mức 3 con số (511 ca), Bộ Y tế Campuchia cũng xác nhận thêm 10 bệnh nhân tử vong do dịch bệnh. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi Campuchia ghi nhận ca đầu tiên tử vong liên quan “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.

Tại Lào, chiều 24/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xác nhận nước này có thêm 88 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào ghi nhận mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng.

Tình hình trên đang khiến cho Việt Nam đứng trước nguy cơ bị dịch bệnh xâm nhập bất cứ lúc nào nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ từ các khu vực biên giới, đặc biệt là biên giới Tây- Nam. Bởi bên cạnh nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở, hiện nay còn xuất hiện tình trạng người dân theo các tàu cá nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Tại An Giang, Long An, Kiên Giang, Tây Ninh thời gian gần đây, lực lượng biên phòng liên tục phát hiện các trường hợp như vậy, đã tiến hành giữ người và đưa đi cách ly theo quy định.

Tại buổi làm việc với TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống COVID-19 vào ngày 23/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường mòn lối mở đang tăng, nhất là khu vực biên giới Tây Nam. Theo Phó Thủ tướng, con số bị phát hiện có thể thấp hơn so với thực tế. Phó Thủ tướng lo ngại nếu có người dương tính xuất hiện tại các lễ hội đông người thì hậu quả là khôn lường.

Phó Thủ tướng chia sẻ, quan điểm hiện tại của Chính phủ là khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài hạn chế di chuyển, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng bệnh của nước sở tại. Tuy nhiên, nếu các trường hợp quá khó khăn, éo le, thì người dân có thể về nước, khai báo đầy đủ để được hỗ trợ về y tế, điều kiện chăm sóc.

Chính phủ sẽ có điều chỉnh quy định về chi phí cách ly, nhưng đảm bảo hỗ trợ tối đa chi phí y tế cho các trường hợp khó khăn trở về nước, để bà con không phải trốn khai báo hay trốn cách ly. Những trường hợp cố ý nhập cảnh trái phép nhất định sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Mặc dù, nguy cơ dịch bệnh đã thấy rất rõ, song hiện nay, qua thời gian dài không xuất hiện lây nhiễm cộng đồng, tâm lý dễ hiểu là mọi người bắt đầu lơi lỏng công tác phòng dịch. Mọi người có tâm lý chủ quan, lơ là, không chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch. Dịp lễ giỗ tổ Hùng Vương vừa qua có thể thấy rõ điều này khi các khu vui chơi, nhiều người thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng dịch như: không đeo trang, không áp dụng rửa tay sát khuẩn…

Bài học từ chính tỉnh Hải Dương trong đợt dịch vừa qua, chỉ 1 đám cưới đã gây lây lan trên diện rộng; hay bài học từ sự cố cộng đồng ngày 20/2 của Campuchia dẫn đến làn sóng bùng phát COVID-19 mà đất nước này đang phải gồng mình chống chọi hiện nay đang là điều đòi hỏi chúng ta cần nghiêm túc, quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh, nhất là sắp tới chúng ta có dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, cùng chung tay vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cần có tinh thần cảnh giác trước các trường hợp nhập cảnh trái phép; vận động người thân không nhập cảnh trái phép; báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép, trốn cách ly trong cộng đồng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hơn lúc nào hết, ý thức của một cá nhân sẽ góp phần vào an toàn cho cả đất nước. Và như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta cần siết chặt lại, tiếp tục tinh thần chống dịch như chống giặc.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 gửi tới các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình."

Công điện cũng nêu rõ, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch.

 

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN