Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thành phố mang tên Bác song hành cùng dân tộc vào kỷ nguyên mới

Thứ Tư, 27/11/2024 21:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Là đầu tàu kinh tế và nhiều lĩnh vực, TP Hồ Chí Minh càng phải thể hiện rõ vị thế, vai trò của mình khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thành phố mang tên Bác cần phải làm gì để góp phần hiện thực hóa khát vọng chung đẹp đẽ đó?

 Thành phố luôn phải xác định rõ bước vào kỷ nguyên mới với tâm thế đầu tàu

Những ngày qua, chúng ta đã được nghe nhiều về khái niệm kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng như các nội dung cơ bản, các luận cứ để xác lập mục tiêu, những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Từ những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể xem là cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định mục tiêu, nhiệm vụ - giải pháp để tự định vị mình, xác lập mục tiêu cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp để phát triển, đóng góp và hòa mình vào sự phát triển chung của đất nước.  

Nhiệm vụ, giải pháp có lẽ là không ít. Thành phố cũng cần có những mục tiêu cụ thể và có lộ trình phù hợp với thế mạnh và thực tiễn của chính mình trong bối cảnh chung của đất nước, khu vực và thế giới.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, đây là kỷ nguyên mang ý nghĩa một thời kỳ mà dân tộc Việt Nam nỗ lực hết mình nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, nhanh chóng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.  Đối với TP Hồ Chí Minh, chưa bao giờ Thành phố có cơ hội tốt như bây giờ. Đó là cơ hội khơi dậy truyền thống năng động sáng tạo của Thành phố để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Trả lời cho câu hỏi Thành phố cần làm gì để bước vào kỷ nguyên mới, TS Trần Du Lịch cho rằng, Thành phố cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, có tính kết nối vùng và có tiềm lực khoa học công nghệ; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh để chuyển mình, bước qua giai đoạn phát triển mới. GRDP của TP Hồ Chí Minh phải duy trì được tốc độ cao, ít nhất phải cao hơn cả nước 1,2-1,5 lần trong 5 năm tới và hơn 1,5 lần trong thời gian tiếp theo, thì mới thể hiện vai trò động lực, dẫn dắt mà TP Hồ Chí Minh từng đạt được.

Cũng với câu hỏi Thành phố cần làm gì, đồng chí Phạm Chánh Trực, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố phải nhanh chóng xóa các “điểm nghẽn” đang gặp phải vì nếu còn “điểm nghẽn” đồng nghĩa với việc còn cản trở sự phát triển. Trước mắt theo đồng chí nổi bật có 3 vấn đề: giao thông đô thị, vấn đề xử lý rác thải và vấn đề nhà ở. Nếu giải quyết tốt các “điểm nghẽn” trên sẽ tạo cho Thành phố một không gian đô thị văn minh, hiện đại, có mỹ quan xanh-sạch-đẹp.

Để bước vào kỷ nguyên mới, chuyển đổi số không phải là phương tiện mà gần như là công cụ sản xuất mới, tạo ra cuộc cách mạng 4.0

Bổ sung vào giải pháp cho câu hỏi trên, theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP Hồ Chí Minh , Thành phố phải lượng hóa một cách cụ thể thông qua những con số cụ thể trong những mốc thời gian cụ thể và đặc biệt phải chọn ra những chỉ số quan trọng nhất cho sự phát triển.

Lấy ví dụ về hạ tầng giao thông, trước năm 2022, TP Hồ Chí Minh chưa có đường vành đai nào được hình thành. Nhưng đến hết nhiệm kỳ này, Thành phố đã có đường vành đai 3 đang xây dựng, chuẩn bị đường Vành đai 4 và khép kín đường Vành đai 2. Như vậy, trong 5 năm tới, Thành phố có hệ thống đường vành đai khép kín, mở ra quỹ đất có thể phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).

Bên cạnh đó, Thành phố cần chú trọng hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị đáp ứng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cần trao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn nữa, cần xác định rõ Nhà nước cần làm gì và không nên làm gì.

TS. Trương Minh Huy Vũ cũng cho rằng TP Hồ Chí Minh cần nhận diện rõ quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số. “Trong các phát biểu, Tổng Bí thư luôn nhận diện rõ chuyển đổi số không phải là phương tiện mà gần như là công cụ sản xuất mới, tạo ra cuộc cách mạng 4.0, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình” , TS. Vũ lưu ý.

Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và TP Hồ Chí Minh phải thể hiện vị trí tiên phong. Sự quyết tâm ấy đã được đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên địa bàn Quận 12 mới đây: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh cùng quyết tâm, dồn sức thực hiện những chỉ đạo của Trung ương và nỗ lực để thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thành phố cũng đang tích cực chuẩn bị kế hoạch để có hành trang tăng tốc cùng cả nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thực tế, trong thời gian qua, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của chính quyền và nhân dân Thành phố đã để lại nhiều ấn tượng. Dù trong mỗi giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt hay trong những tình huống khó khăn, TP Hồ Chí Minh đều có những mô hình, cách làm mới mang tính đột phá, sáng tạo, trở thành nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo cho các địa phương khác. Thực tế ấy đã minh chứng cho khát vọng vươn lên mạnh mẽ và sự chủ động, dám nghĩ dàm làm, sự năng động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, hi vọng hành trang mà TP Hồ Chí Minh mang theo sẽ luôn là động lực, là nguồn lực to lớn, có những đột phá mạnh mẽ để đất nước thật sự vươn mình tỏa sáng, phát triển thịnh vượng.

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN