Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ những gì?

Chủ Nhật, 03/12/2023 09:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bạn đọc La Thị Hà trú tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An hỏi: Tôi được biết các trạm y tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt. Vậy các lĩnh vực nào được hỗ trợ và mức hỗ trợ như thế nào?

Ảnh minh họa. Ảnh: Thúy Nga 

Trả lời:

Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đặt mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, nội dung xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nêu gồm các lĩnh vực:

- Đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Trung tâm y tế huyện;

- Đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn;

- Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã;

- Đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã;

- Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn bản;

- Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm.

Các nội dung hỗ trợ được quy định tại Thông tư 55/2023/TT-BTC, ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể tại Điều 33, Mục 7 về Phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số quy định như sau:

1. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật

a) Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho người làm công tác y tế, chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã, đào tạo y học gia đình cho nhân viên trạm y tế xã: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này;

b) Hỗ trợ đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I; đào tạo cử nhân điều dưỡng, cử nhân các ngành thuộc nhóm kỹ thuật y học theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Nội dung, mức chi theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư này;

c) Chi xây dựng mô hình đào tạo: Thực hiện theo quyết định phê duyệt mô hình của cấp có thẩm quyền.

2. Hỗ trợ phụ cấp cho cô đỡ thôn, bản

Cô đỡ thôn, bản thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được đào tạo và đang trực tiếp thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng, trường hợp chưa được hưởng mức phụ cấp nhân viên y tế thôn bản theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản thì được hỗ trợ 0,5 mức lương cơ sở/tháng.

3. Hỗ trợ điểm tiêm chủng ngoại trạm

a) Hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ tham gia công tác tiêm chủng; vận chuyển, bảo quản vắc xin tiêm chủng mở rộng: Thực hiện theo quy định khoản 10 Điều 4 Thông tư này;

b) Chi hỗ trợ cán bộ trong những ngày tiêm chủng (ngoài chế độ công tác phí hiện hành): 50.000 đồng/người/buổi;

c) Hỗ trợ các chi phí khác phát sinh trong quá trình tổ chức tiêm chủng ngoại trạm (nếu có) theo thực tế phát sinh, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN