Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Dân tộc thiểu số ít người được hỗ trợ bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống thế nào?

Chủ Nhật, 10/12/2023 19:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bạn đọc Phù Thị Thiên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang hỏi: Xin cho tôi được biết, việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người được quy định trong chương trình, dự án nào của Nhà nước, nội dung thực hiện ra sao?

Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Pà Thẻn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (ảnh: PL) 

Trả lời: 

Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người là một trong những nội dung của Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Chương trình đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua.

Theo văn bản số 1684/HD-BVHTTDL, ngày 28/4/2023 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nội dung Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số có dân số ít người được hướng dẫn thực hiện như sau:

Về đối tượng, phạm vi thực hiện 

- 14 dân tộc có khó khăn đặc thù: Ơ-đu, Brâu, Rơ-măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn, La Ha theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025.

- Tổ chức bảo tồn về các loại hình văn hóa phi vật thể: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian, bao gồm: sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết; Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm: âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác; Tập quán xã hội, bao gồm: luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian, bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.

Nội dung thực hiện

- Khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người;

- Thuê chuyên gia nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn; xây dựng báo cáo khoa học; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học;

- Mua vật tư, nguyên vật liệu, dụng cụ, tài liệu, tư liệu, số liệu, sách, báo, tạp chí tham khảo, thiết kế, phần mềm, công nghệ phục vụ hoạt động các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người;

- Tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống. Thời gian tổ chức do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quyết định;

- Tổ chức biểu diễn, tái hiện các loại hình thức văn hóa truyền thống:

+ Lắp đặt, trang trí sân khấu, khu vực trình diễn; thuê trang phục, đạo cụ, nhạc cụ; trang thiết bị, vật tư; lễ vật (phục vụ nghi thức văn hóa truyền thống);

+ Hỗ trợ chi phí tập luyện, biểu diễn cho nghệ nhân, diễn viên là người dân tộc thiểu số trình diễn đối với hoạt động bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống;

+ Hỗ trợ tiền ăn, tiền phương tiện đi lại, tiền thuê phòng nghỉ nghệ nhân, diễn viên là người dân tộc thiểu số;

- Sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người;

- Thông tin, tuyên truyền phục vụ bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN