Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xuất khẩu lao động có phải nộp tiền môi giới?

Thứ Sáu, 30/08/2024 18:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để tránh các tình huống pháp lý bất lợi, hiện tượng lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị tư vấn, cung ứng nguồn lao động, tham khảo các kênh chính thống.

Bạn đọc Nguyễn Thanh D (20 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) hỏi: "Tôi đang theo học khóa đào tạo ngoại ngữ và nghề ngắn hạn để sang Đức xuất khẩu lao động. Qua tìm hiểu, tôi được biết công ty có thu một khoản phí môi giới, như vậy có đúng không?"

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tuấn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về thuật ngữ “xuất khẩu lao động”.

Khoản 1 Điều 3 Chương I Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số: 69/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020) nêu rõ: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.

Ảnh minh họa (Nguồn: baochinhphu.vn)

Trong khi đó, Khoản 8 Điều 7 Chương I Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ thu tiền môi giới của người lao động là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về hình thức xử lý vi phạm, Khoản 6 Điều 42 Chương IV Nghị định 12/2022/NĐ-CP (Số: 12/2022/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2022) quy định về xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau: Phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động nhưng không quá 200 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động hoặc tuyển chọn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật.

Về hình thức xử phạt bổ sung, tại Điểm đ, Điểm e Khoản 13 Điều 42 Chương IV Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định: Đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn lao động từ 6 - 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại Khoản 6 Điều này. Đình chỉ hoạt động tuyển chọn người lao động từ 6 - 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động tuyển chọn người lao động để thu tiền của người lao động trái pháp luật quy định tại Khoản 6 Điều này.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc doanh nghiệp dịch vụ trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu trái pháp luật của người lao động và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6, Điểm a Khoản 8 Điều 42 Chương IV Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020): Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước… thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 02 năm.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 người, đạt 62,91% kế hoạch năm. Hiện cả nước có hơn 600.000 lao động đang làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm chuyển về khoảng 4 tỷ USD theo đường chính ngạch, chưa kể các kênh khác.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường ổn định, có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức..., cùng với đó, tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường hiện có và sẽ phát triển, mở rộng thị trường phù hợp với trình độ, kỹ năng của người Việt. Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam thì các nước Đông Âu như: Romania, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Serbia... cũng đang có nhu cầu.

“Do đó, để tránh các tình huống pháp lý bất lợi, hiện tượng lừa đảo liên quan đến xuất khẩu lao động, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị tư vấn, cung ứng nguồn lao động, tham khảo các kênh chính thống…”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN