Xây dựng quy ước mẫu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu
(ĐCSVN) - Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang (BCĐ 443) tại phiên họp của BCĐ vào ngày 5/7.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Phiên họp nhằm đánh giá kết quả hoạt động và việc thực hiện Nghị quyết số 27 trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; tập trung phân tích những khó khăn và các tồn tại, hạn chế trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cũng như chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm hay tại cơ sở.
Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030 tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, triển khai với phương châm “thường xuyên, liên tục, kiên trì, đồng bộ và quyết liệt”. Trong 6 tháng toàn tỉnh đã tổ chức 454 hội nghị, mạn đàm bàn giải pháp xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân; tổ chức trên 7.300 buổi tuyên truyền, thu hút trên 24.500 lượt người tham gia; tổ chức trên 2.100 buổi tuyên truyền bằng loa, hệ thống phát thanh; tổ chức 28 hội thi ở cơ sở với chủ đề xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Ban chỉ đạo 443 tỉnh chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Việc tổ chức đám cưới cơ bản theo nếp sống văn minh, trang trọng, tiết kiệm, đúng quy ước, hương ước, phù hợp với văn hóa truyền thống từng dân tộc. Trong việc tang có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện theo Nghị quyết số 27; một số nghi thức rườm rà trong lễ tang được cắt giảm, cải tiến, một số địa phương vùng thấp không còn đi viếng bằng vòng hoa, bức trướng, giảm tối đa tình trạng rải vàng mã...
Tuy nhiên, trong 6 tháng, toàn tỉnh còn 49 cặp tảo hôn, 840 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, 1.045 phụ nữ sinh con trước 18 tuổi; còn 108 đám tang tổ chức quá 48 giờ, 64 đám tang giết mổ từ 2 con trâu, bò trở lên; việc xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải chăn nuôi chưa triệt để, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân...
Kết luận cuộc họp, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng BCĐ 443 tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền và BCĐ các cấp tiếp tục thực hiện xuyên suốt phương châm “thường xuyên, liên tục, kiên trì, đồng bộ và quyết liệt” trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 27, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp và cả hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn phát biểu thảo luận. (Ảnh: Duy Tuấn). |
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu BCĐ các cấp duy trì nghiêm quy chế hoạt động, đánh giá lại các chỉ tiêu của năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải gắn với kiểm tra, giám sát. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ đứng đầu các cấp, ngành trong thực hiện Nghị quyết 27. Tiếp tục phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo ở cơ sở. Các thành viên BCĐ căn cứ nhiệm vụ chuyên môn tham mưu xây dựng bản quy ước, hương ước mẫu để triển khai đồng bộ cho toàn tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; tiếp tục kiên trì, thường xuyên, liên tục cấp phát tài liệu xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cho các trường học.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 27 phải tùy thời điểm, nội dung cần triển khai trọng tâm, trọng điểm, như: Trong việc tang cần tập trung rút ngắn thời gian tổ chức tang lễ và không giết mổ nhiều gia súc; trong đời sống hàng ngày cần giảm tình trạng sinh nhiều con, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trẻ em nữ dưới 18 tuổi sinh con; quan tâm vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch nghĩa trang nông thôn...