Đề xuất chính sách khuyến khích nhà giáo công tác tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn
(ĐCSVN) - Xây dựng Luật Nhà giáo cần quan tâm đến khu vực miền núi, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội; đặc biệt cần có chính sách khuyến khích cho nhà giáo làm việc tại các vùng đặc biệt này vì tại đây thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm. |
Đó là một trong những kiến nghị được đưa ra tại Tọa đàm việc thực hiện chính sách pháp luật đối với nhà giáo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tỉnh Hà Giang, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức vào chiều 14/11.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì Tọa đàm.
Cùng dự có các ĐBQH chuyên trách; đại diện sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng phát biểu tại Tọa đàm. |
Phát biểu chào mừng tại Tọa đàm, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra nhiệm vụ “Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường, lớp học; tiếp tục đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các nhà trường. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bậc học mầm non gắn với học tiếng phổ thông. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Về xây dựng đội ngũ nhà giáo, Nghị quyết số 06 ngày 10/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025 cũng có mục tiêu, quan điểm “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vững vàng về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Nâng cao chất lượng giáo dục để lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời. Chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo giai đoạn 2023-2030 gắn với chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cán bộ, công chức và các thầy, cô giáo đại diện cho đội ngũ nhà giáo của tỉnh trao đổi tích cực, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm với các vị ĐBQH và Bộ Giáo dục - Đào tạo liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo đang được Quốc hội xem xét, đặc biệt là những điểm mới trong quy định về: Đối tượng, phạm vi áp dụng; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và sự bình đẳng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập; về sự chủ động trong tuyển dụng, sử dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái nhà giáo; về thu hút nhân tài, chế độ nghỉ hưu, chính sách tiền lương và các chế độ, chính sách khác.
Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang phát biểu đề dẫn Tọa đàm. |
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết: Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quán triệt một số chủ trương, chính sách cần triển khai trong dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội đó là: Việc đầu tiên khi nhắc đến đào tạo là nhắc đến vai trò của người thầy. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo không chỉ là quy định những nội dung trước đây chưa quy định, mà cần vươn lên tầm mới, xác định vai trò quan trọng của người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật.
Dự thảo Luật phải giải quyết thật tốt mối quan hệ thầy - trò, là mối quan hệ chủ đạo trong môi trường giáo dục đào tạo, có trò thì phải có thầy, mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được. Bên cạnh đó, xây dựng Luật Nhà giáo phải xác định người thầy là một nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu trong từng lĩnh vực giảng dạy, người thầy phải luôn tìm tòi, nghiên cứu cái mới vì khoa học và tri thức là không dừng lại.
Đồng chí Bùi Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi Toạ đàm. |
Tại buổi Tọa đàm, các ý kiến phát biểu đều cho rằng, việc ban hành Luật là rất cần thiết và đem lại lợi ích cho đội ngũ giáo viên; xây dựng Luật Nhà giáo cần phải quan tâm đến khu vực miền núi, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, đây cũng là vùng trũng về giáo dục đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, dự thảo Luật cần có chính sách vừa cụ thể, vừa bao quát, khuyến khích cho nhà giáo làm việc trong môi trường tại các vùng khó khăn, đặc biệt này, vì tại đây thầy cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải dỗ dành, động viên học sinh đến trường.
Các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung với các cơ quan soạn thảo như: Đề nghị không thực hiện giao chỉ tiêu tinh giản 10% biên chế giáo viên đối với địa phương theo hướng cơ học như hiện nay để giảm bớt khó khăn về giáo viên đứng lớp; giao bổ sung chỉ tiêu biên chế hoặc chỉ tiêu hợp đồng đối với các vị trí việc làm còn thiếu theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; có chế độ ưu đãi đối với nhân viên y tế, nhân viên thư viện công tác ở vùng đặc biệt khó khăn; nhà giáo chuyển về công tác tại Phòng GD&ĐT được bảo lưu hoặc được hưởng thâm niên nhà giáo;…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi Toạ đàm. |
Với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, các đại biểu kỳ vọng Luật Nhà giáo được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục ở vùng khó khăn; góp phần bổ sung nguồn giáo viên còn thiếu cho ngành giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền núi; tạo động lực cho giáo viên gắn bó với nghề, gắn bó với địa phương; khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các đại biểu; đặc biệt là các thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng thời, làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu băn khoăn, quan tâm. Đối với các ý kiến đóng góp, các bài tham luận trong Tọa đàm này, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu, xem xét đưa vào Dự thảo Luật cho sát thực tiễn…