Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xây dựng cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Thứ Sáu, 08/09/2023 15:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Sáng 8/9, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo nội dung về cơ chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Sự kiện nhằm đóng góp ý kiến đề xuất xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về ban hành "Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa".

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu bất cập trong thi hành Quy chế trên sau hơn 12 năm thi hành; từ đó đưa ra những đề xuất cụ thể phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm đạt kết quả nhất định

Phát biểu tại Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, ngày 15/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.

Qua hơn 12 năm thực thi Quy chế này, nhiều kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác phối hợp giữa các cơ quan có chức năng kiểm tra ở Trung ương với nhau, giữa cơ quan Trung ương với các cơ quan ở địa phương. Các Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương đã giao cho các cơ quan kiểm tra trực thuộc chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương theo dõi, đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh để tham mưu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, chuyên đề, theo kế hoạch đã được phê duyệt nhằm phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm kịp thời, giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau 12 năm thực hiện, Quy chế này đã bộc lộ một số hạn chế, bật cập. Theo đó, về phối hợp trong công tác chia sẻ thông tin và xây dựng Kế hoạch, hiện nay, Quy chế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Tổng cục, cục và tương đương trực thuộc các Bộ, đã giao cho nhiều đơn vị có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, trong đó có công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, hằng năm, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Quá trình xây dựng kế hoạch thường được thực hiện trong nội bộ của mỗi đơn vị, chưa có cơ chế phối hợp chia sẻ, tiếp cận thông tin, dẫn đến nhiều chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng kiểm tra, gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp, chưa đúng tinh thần tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Các đại biểu điều hành phần trao đổi, thảo luận. Ảnh: Hà My 

Về phối hợp trong công tác kiểm tra triển khai kế hoạch, Quy chế phối hợp ban hành kèm theo Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg hiện nay chỉ giới hạn trong việc phối hợp kiểm tra chất lượng, chưa thể hiện được đầy đủ trách nhiệm kiểm tra được giao tại các Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Đo lường, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa có sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời của hai luật này.

Về phối hợp công tác giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan thanh tra, mặc dù hệ thống pháp luật về thanh tra đã quy định đầy đủ và chặt chẽ về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo, trùng lặp, tuy nhiên, pháp luật thanh tra chỉ quy định phối hợp giữa các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan kiểm tra với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về xử lý chồng chéo, trùng lặp.

Ngoài ra, còn một số nội dung khác liên quan đến công tác phối hợp qua thực tiễn tổng kết Quyết định 36 cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm phù hợp với quy định của các Luật, Nghị định mới ban hành và thực tiễn yêu cầu.

Đồng quan điểm, bà Cao Thị Bích Hà, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng, qua hơn 12 năm thực thi Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, một số kết quả nhất định đã đạt được trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng; tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bất cập, hạn chế đã nảy sinh trong quá trình triển khai Quy chế. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính hoặc bỏ sót đối tượng quản lý trên cùng một địa bàn trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Sửa đổi, bổ sung Quy chế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay

Trước những bất cập, hạn chế của Quy chế hiện hành, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng” để thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010, hiện đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Quyết định ban hành “Quy chế phối hợp thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”; cùng nhau đánh giá và thống nhất những hạn chế, bất cập qua 12 năm thực thi “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa” và thảo luận các nội dung xem xét đưa vào để sửa đổi Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg.

Ngày 11/7/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ có công văn số 2176/BKHCN-TĐC gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, quan điểm xây dựng dự thảo Quyết định phải phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra; bảo đảm tính kế thừa và tính phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, dự thảo cần có nội dung sửa đổi những quy định chưa phù hợp, bổ sung, cập nhật những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Các quy định trong dự thảo cần có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các bộ, ngành và địa phương, tránh chồng chéo, trùng lặp.

Ông Hà Minh Hiệp cho biết, với các ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ là đầu mối, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập quốc tế./.

Khôi Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN