Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xác lập hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới

Thứ Ba, 19/12/2023 18:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo TS Trần Ánh Tuyết - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL): Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc. Để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay, một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam - một trong những vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc.

Ảnh minh họa. 

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Trong thời đại ngày nay, việc xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, người dân ấm no, hạnh phúc trên nền tảng thiết chế gia đình bền vững gặp không ít thách thức và khó khăn.

Thực trạng cho thấy hiện nay không ít gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ những khó khăn về kinh tế, đời sống, đến việc giáo dục, tâm lí, tình cảm, quan niệm đạo đức, sinh sản...

Qua nhiều trường hợp cụ thể, nhiều vụ việc cho thấy hệ giá trị gia đình đang bị đảo lộn, khủng hoảng, con người có những hành vi lệch chuẩn, ứng xử xuống cấp... Nhiều vấn đề trước đó không tồn tại hoặc không đáng kể, nay lại trở thành những vấn đề phát sinh phức tạp, chẳng hạn như chung sống không kết hôn, sống thử, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, hôn nhân xuyên quốc gia, bạo lực gia đình, tác động của internet mà cụ thể là mạng xã hội đến đời sống gia đình...

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình đang dần bị mai một. Gia đình đôi khi không còn thực sự là “tổ ấm”, là bến đỗ bình yên của mỗi người. Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn.

Không chỉ có vậy, dưới tác động của những mặt trái cơ chế thị trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình ngày một gia tăng. Trong xã hội hiện đại, các biểu hiện tiêu cực trong gia đình cũng vì thế mà ngày càng nhiều, đặc biệt là bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực thành thị. Những câu chuyện về mâu thuẫn vợ chồng; con cái ngược đãi cha mẹ; bố mẹ xâm hại, đánh đập con cái hay anh, em ruột thịt chém, giết lẫn nhau….không còn là chuyện lạ lẫm trên các mặt báo. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình hiện nay có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng hơn.

Chính vì vậy, việc bảo vệ các giá trị cốt lõi của gia đình trước sự thay đổi trong quan niệm và lối sống của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, là vấn đề vô cùng cần thiết.Trong xã hội hiện đại, gia đình cần được xây dựng, bảo vệ và phát triển dựa trên 4 giá trị cốt lõi của hệ gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Nhấn mạnh về 4 giá trị cốt lõi trong việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL cho rằng, những biến đổi về cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình quyết định diện mạo của gia đình Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử.

Gia đình là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của đất nước, cũng là yếu tố đầu tiên và quan trọng để triển khai chính sách, thụ hưởng chính sách.

Việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc. Xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc, thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để đưa nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng chính là nền tảng, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới./.

TT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN