Xã Vàng San quyết tâm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại để xóa đói giảm nghèo bền vững
(ĐCSVN) - Vàng San (Mường Tè, Lai Châu) là một xã đặc biệt khó khăn. Từ khi được hưởng sự hỗ trợ từ Chương trình 135, nên đã có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 73,6% xuống còn 66,1%. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền xã vẫn xác định muốn đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong công tác xóa đói giảm nghèo cần khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên.
Sau gần 4 năm chia tách từ xã Bum Nưa, đến nay Vàng San vẫn là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Xã có tổng số 526 hộ với 2.728 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Hà Nhì, Mông, Mảng, Kinh, trong đó: dân tộc Thái chiếm 54,2%, dân tộc Mảng chiếm 32,8%, dân tộc Hà Nhì chiếm 8,16%, dân tộc Mông chiếm 4,83%, dân tộc Kinh chiếm 0,41%. Tổng diện tích đất tự nhiên chiếm 9.521 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 3.858 ha, diện tích đất ở là 12,79 ha, còn lại là đất lâm nghiệp.
Trong giai đoạn 2011 - 2015 các hộ gia đình ở xã đã dần mạnh dạn chuyển đổi một số giống vật nuôi, cây trồng năng suất thấp sang giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao hơn như giống lúa Xuyên Hương 178, PC6, Nghi Hương 2308, giống Ngô Lai 989 được nhân dân trồng tăng thêm vụ Thu – Đông đối với ruộng một vụ; vật nuôi chuyển từ hình thức thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, chăn dắt, được tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch hàng năm.
Bên cạnh đó, đồng bào được tiếp cận với các chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2012, Chương trình 135 đầu tư gần 1,3 tỉ đồng xây dựng thủy lợi Nà Pom với chiều dài 2 nhánh là 613 m, diện tích tưới là 12 ha. Năm 2013, đầu tư 102 triệu đồng tu sửa công trình nước sinh hoạt bản Sang Sui, với tổng chiều dài trên 500 m và 40 hộ hưởng lợi từ công trình này.
Năm 2015, đầu tư 65 triệu đồng tu sửa công trình thủy lợi Huổi Đướng bản Vàng San, quy mô 30 m đổ bê tông, 16 m kè gọ thép, số hộ hưởng lợi là 10 hộ.Năm 2016, kinh phí từ Chương trình 135 là 208 triệu đồng, trong đó có hỗ trợ 52 con lợn nái Móng Cái, mỗi hộ 1 con; hỗ trợ 130 kg giống ngô Thu - Đông cho 44 hộ tại các bản Nà Phầy, Vàng San, Pắc Pạ. Và hỗ trợ 65 triệu đồng tu sửa mương Làn Tỷ bản Huổi Cuổng.
Công trình mương thủy lợi Làn Tỷ được xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình 135 tại thôn Huổi Cuổng, xã Vàng San (Ảnh: Trần Quỳnh)
Đồng chí Lò A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San cho biết: năm vừa qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn; thì việc triển khai Chương trình 135 đã trở thành một nhiệm vụ chính của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong xã. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo được triển khai đi vào cuộc sống của người dân, đến từng bản, từng hộ gia đình giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rõ rệt, từ 73,6% xuống còn 66,1% theo tiêu chí mới đa chiều.
Có thể nói, ngay từ những giai đoạn đầu thực hiện Chương trình 135, UBND xã Vàng San đã cố gắng tổ chức thực hiện chặt chẽ từ khâu khảo sát, lập danh sách bảo đảm đúng đối tượng, công khai để từ đó xây dựng đề án chi tiết theo đúng yêu cầu của Chương trình 135. Một ví dụ tiêu biểu là việc cấp con giống cho các hộ gia đình nuôi, UBND xã đã cử cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông đến các bản để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; đồng thời đề nghị các hộ cần thường xuyên thông báo tình hình diễn biến của đàn vật nuôi đến trưởng bản hoặc cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông, từ đó kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh. Chính việc sâu sát cơ sở như vậy đã làm cho Chương trình 135 đạt hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, việc được Đảng, Nhà nước bao cấp ít nhiều đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận đồng bào nghèo. Tình trạng có đất mà không chịu trồng lúa, trồng ngô; có trâu, bò mà không chịu chăm sóc để ốm yếu rồi mổ thịt; gạo cứu đói thì đem nấu rượu... là những chuyện không phải khó tìm ở Vàng San. Chính tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo đã trở thành những rào cản làm cho công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương chưa đạt được kết quả như mong muốn và thiếu tính bền vững.
Một ví dụ khác cũng cho thấy, năm 2016, khi xã có chủ trương thành lập tổ thủy lợi từ nguồn kinh phí của xã, thì việc duy tu, bảo vệ công trình thủy nông, thủy lợi đã tốt hơn. Nguồn kinh phí cho hoạt động tu sửa, bảo dưỡng được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả; các thành viên trong tổ cũng chấp hành nghiêm chỉnh quy chế hoạt động của tổ, làm việc có trách nhiệm. Tuy nhiên, việc cung cấp miễn phí nước dẫn đến tình trạng người dân chưa có ý thức tiết kiệm trong sử dụng nước. Để khắc phục tình trạng này, sắp tới, xã sẽ thử nghiệm lắp đồng hồ đo nước, để mỗi hộ gia đình có ý thức hơn, dùng tiết kiệm và giữ gìn nguồn nước sạch sẽ.
Đồng chí Vàng Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng San đã thẳng thắn nhìn nhận: nguyên nhân chính của tư tưởng trông chờ, ỷ lại là do trình độ dân trí không đồng đều, quen hưởng những chính sách hỗ trợ cho không của Nhà nước; tính tự giác của một bộ phận người dân chưa cao. Khi có các chương trình, dự án hỗ trợ giống cây, con, vật tư kỹ thuật xây dựng các mô hình thâm canh lúa, ngô, chăn nuôi gia súc thì đồng bào thực hiện tốt, nhưng hết hỗ trợ thì mô hình cũng hết luôn. Trong thực hiện Chương trình 135 thì có hộ chưa thực sự khó khăn nhưng cũng “phấn đấu” để được “lọt” vào danh sách hộ nghèo, được hỗ trợ, trong khi tự sức vẫn có thể thoát được nghèo.
Để giải quyết tình trạng trên, chính quyền, đoàn thể xã Vàng San sẽ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, nắm rõ chính sách của Nhà nước. Đồng thời hướng dẫn người dân phương pháp, kỹ thuật sản xuất; động viên, khuyến khích, biểu dương hộ đã thoát nghèo và tự lực thoát nghèo để từ đó kích thích các hộ khác, tạo thành phong trào thi đua tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, xã sẽ triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ trong bình xét hộ nghèo; cương quyết loại trừ tình trạng nể nang gửi anh em, họ hàng thân thích hoặc thay nhau trở thành hộ nghèo để được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước./.