Xã hội hóa y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
(ĐCSVN) - Sau thời gian thực hiện công tác xã hội hóa (XHH) và đầu tư công nghệ cao trong khám chữa bệnh ở Bệnh viện ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh, bệnh viện đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Ngành y tế cũng có thể vận dụng những bài học này trong việc kêu gọi XHH hoạt động y tế ở địa phương.
BS Thái Hoài Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh khẳng định, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống y tế công lập còn hạn chế thì XHH chính là sự lựa chọn tối ưu cho ngành y tế. Việc mở rộng XHH công tác khám chữa bệnh (KCB) càng giúp ngành y tế phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hơn nữa, việc XHH y tế còn thúc đẩy đội ngũ thầy thuốc đổi mới, nâng cao tay nghề.
XHH y tế góp phần giảm tải áp lực ngân sách nhà nước cho ngành y tế (Ảnh: Bình Dương) |
Để XHH y tế có hiệu quả, ngành y tế cần mạnh dạn thực hiện đúng và vận dụng linh hoạt các quy định của Chính phủ, của địa phương, đổi mới phương thức quản lý và thực hiện các chương trình hợp tác với ngân hàng cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, ngành cần tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương trong các đề án, dự án của Bộ Y tế để hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng KCB. Các cơ sở y tế cũng cần tích cực tìm hiểu và mạnh dạn áp dụng kỹ thuật tiên phong với chi phí đầu tư phù hợp năng lực và khả năng kêu gọi đầu tư hoặc ứng dụng giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh.
Cũng theo BS Nam, Ngành y tế cần ưu tiên đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, chủ động tiếp nhận và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đối với bệnh viện tuyến tỉnh. Mặt khác, phải xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong việc áp dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật cao trong KCB. Từ đó, quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ phát huy tinh thần sáng tạo, học hỏi, nghiên cứu khoa học.
Công tác XHH y tế tốt cùng chính sách hỗ trợ của địa phương sẽ khuyến khích các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân phát triển rộng hơn. Các dịch vụ khám, chữa bệnh trên địa bàn được đa dạng hóa, chất lượng dịch vụ y tế tại các tuyến sẽ được nâng lên, góp phần tích cực vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm bớt quá tải cho y tế công lập và tuyến trên.
Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, trên cơ sở định hướng phát triển ngành của Bộ Y tế và các bài học kinh nghiệm rút ra ở trên, ngành y tế cần xác định phương hướng và có thể tham khảo, vận dụng các bài học kinh nghiệm vừa nêu để kêu gọi XHH đầu tư trong lĩnh vực y tế tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung
Mặt khác, để hiệu quả hơn, có thể xem xét như: đổi mới phương thức quản lý theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ tối đa kèm theo cơ chế giám sát phù hợp. Tiến hành đánh giá năng lực hệ thống quản lý bệnh viện như là một tiêu chuẩn để nâng cao tính tự chủ của bệnh viện; đa dạng các hình thức XHH, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển cơ sở y tế tư nhân chất lượng cao; có cơ chế, chính sách mở để thu hút nhà đầu tư, nhất là trong một số lĩnh vực còn thiếu nhiều trang thiết bị, tăng cường tham khảo và triển khai mô hình hợp tác y tế công- tư (PPP). Đặc biệt, có thể tận dụng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng và đặc điểm địa lý sát với TP. Hồ Chí Minh để kết hợp, thiết lập, sáng tạo ra các dịch vụ y tế làm lợi thế. Chẳng hạn, Singapore có mô hình bệnh nhân phẫu thuật và hồi sức ở bệnh viện này, nhưng điều trị cho đến khi xuất viện ở một bệnh viện khác. Ở Việt Nam chưa có mô hình tương tự, nên chăng bệnh viện ở BR-VT liên kết với bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình này.