WTO thành lập nhóm định giá carbon toàn cầu
(ĐCSVN) - Ngày 17/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tổ chức này sẽ thành lập nhóm đặc trách xây dựng phương pháp định giá carbon toàn cầu nhằm đảm bảo các kế hoạch đánh thuế nhập khẩu dựa trên lượng phát thải carbon được áp dụng công bằng với các nước đang phát triển.
Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. (Ảnh: Reuters) |
Phát biểu tại một Hội nghị về châu Phi do báo Financial Times tổ chức tại London (Anh), bà Okonjo-Iweala khẳng định, giá carbon toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển tiếp tục cạnh tranh, trong khi châu Âu áp dụng thuế nhập khẩu dựa trên lượng khí thải CO2 của một số hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Bà Okonjo-Iweala cho biết một số nước thành viên WTO xem việc đánh thuế này là biện pháp bảo hộ, trong khi các nước khác không có công cụ định giá carbon trong hàng hóa xuất khẩu. Do đó, WTO đang cố gắng phát triển phương pháp định giá carbon toàn cầu mà tất cả các nước đều có thể áp dụng.
Tuần trước, tại Hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Marrakech (Maroc), bà Okonjo-Iweala đã đề xuất thành lập nhóm chuyên trách đa phương nhằm lập ra phương pháp toàn cầu về định giá carbon.
Theo bà Okonjo-Iweala, các nước châu Phi chỉ tạo ra khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu, do đó cần tránh trừng phạt các nước ở châu lục này trong bối cảnh châu Âu đang hướng tới tương lai ít carbon hơn.
Ủy ban Châu Âu (EC) từng khẳng định thuế carbon biên giới của khối phù hợp với các quy định của WTO. Trong khi đó, bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh, không có quy định nào của WTO gây trở ngại cho việc đạt được phát thải ròng bằng 0, miễn là việc đó không ngăn cản các nước khác cạnh tranh.
Trước đó, kể từ ngày 1/10 , Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện thí điểm một quy định mới, theo đó áp giá carbon đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước khác vào thị trường này. Mức giá cao hay thấp sẽ dựa trên tính toán lượng khí carbon phát thải ra nhiều hay ít.
Trước mắt, quy định này sẽ được áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao, mà EU xếp vào 6 nhóm sản phẩm là xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro. Như vậy, bất cứ nước nào xuất khẩu những mặt hàng thuộc danh sách này sang thị trường EU sẽ chịu tác động từ cơ chế điều chỉnh carbon của khối.
Việc áp giá carbon là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và đã được các nước thành viên của Liên minh nhất trí thực hiện từ tháng 12/2022./.