Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WTO cảnh báo rủi ro đối với triển vọng thương mại toàn cầu

Thứ Năm, 19/08/2021 10:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 18/8, WTO cho biết, chỉ số thương mại hàng hóa đạt mức cao kỷ lục cho thấy sự phục hồi mạnh của hoạt động thương mại toàn cầu sau cú sốc lớn vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tổ chức này lưu ý rằng, triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục đứng trước những rủi ro.

 Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo sự bất bình đẳng về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. (Ảnh: wto.org) 

Trong công bố được đưa ra, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức 110,4 điểm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2016 và tăng hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo WTO, việc chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức kỷ lục cho thấy thương mại toàn cầu hiện đang phục hồi mạnh, mặc dù vậy, tổ chức này lưu ý rằng triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục đứng trước những rủi ro.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo, sự bất bình đẳng về tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Ngày 29/7 vừa qua, phát biểu khi công bố báo cáo 6 tháng đầu năm về tình hình thương mại quốc tế, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, hoạt động thương mại thế giới và sản lượng đã hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi ghi nhận sự giảm sút mạnh trong đợt bùng phát dịch đầu tiên.

Theo dự báo mới nhất của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022. Tuy nhiên, người đứng đầu WTO nhận định hoạt động thương mại có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới được đưa ra ngày 27/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo, tăng trưởng toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức 6% cho năm 2021, nhưng chênh lệch ngày càng lớn giữa các nền kinh tế phát triển với nhiều thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

Nhà Kinh tế trưởng IMF, bà Gita Gopinath cho rằng cần thúc đẩy phân phối và cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo. Theo bà Gopinath, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ còn nhiều bất ổn cho đến khi đại dịch bị đẩy lùi. Bà kêu gọi, các quốc gia giàu có nhanh chóng thực hiện cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển.

Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua mà phần lớn nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ từ một số nền kinh tế lớn.

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo, bất chấp kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu phục hồi thì các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn đang tiếp tục phải vật lộn với đại dịch COVID-19./.

Hoài Hà (Theo UNI/Sputnik)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN