WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng kỷ lục trong 5 năm tới
(ĐCSVN) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 17/5 cảnh báo hiện tượng tự nhiên El Nino và khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể trở thành nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn 2023-2027. Chính vì thế, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản này.
Nước ngày càng trở nên khan hiếm ở những vùng khô hạn ở Sudan. (Ảnh: UNEP/Lisa Murray). |
Theo lập luận của WMO, có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận. “Chúng ta cần chuẩn bị cho điều này… Khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tác động kết hợp của El Nino - một hiện tượng thời tiết xảy ra tự nhiên sẽ khiến nhiệt độ tăng vọt trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2027”- WMO cảnh báo.
Trong khi đó, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Hiện tượng El Nino nóng lên sẽ gia tăng trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu đến mức cao chưa từng thấy”.
“WMO đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chúng ta sẽ tạm thời vi phạm mức tăng 1,5 độ C với tần suất ngày càng tăng" – ông Taalas nói, đồng thời cảnh báo thêm rằng điều này sẽ kéo theo những "hậu quả sâu rộng" liên quan đến sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường.
“Chúng ta cần chuẩn bị cho điều này” – Tổng thư ký WMO nêu rõ.
Theo phân tích của WMO, nhiệt độ gần bề mặt trung bình toàn cầu hàng năm trong giai đoạn 2023 - 2027 được dự đoán là cao hơn từ 1,1 độ C đến 1,8 độ C so với mức trung bình của giai đoạn những năm 1850-1900.
Hiện tượng nóng lên ở Bắc cực được dự đoán là cao hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu trong vòng 5 mùa Đông tới ở khu vực bán cầu Bắc. Giới chuyên gia dự đoán lượng mưa sẽ tăng lên ở Sahel, Bắc Âu, Alaska và Bắc Siberia, trong khi điều ngược lại sẽ xảy ra ở Amazon và một số vùng của Australia.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2022 cao hơn 1,15 độ C so với mức trung bình của những năm 1850-1900. Trong khi đó, 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận thuộc giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, với năm 2016 là năm nóng nhất (thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,3 độ C), theo số liệu phân tích của WMO.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngoài việc tăng nhiệt độ toàn cầu, khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra đang dẫn đến hiện tượng axit hóa và làm nóng đại dương nhiều hơn, kéo theo hiện tượng bang tan, dẫn tới mực nước biển dâng cao và thời tiết khắc nghiệt hơn.
Trước bối cảnh trên, thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt ra các mục tiêu dài hạn để hướng dẫn tất cả các quốc gia giảm đáng kể lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức 2 độ C, đồng thời theo đuổi các nỗ lực hạn chế mức tăng hơn 1,5 độ C, để tránh hoặc giảm các tác động bất lợi đối với đời sống con người.
Báo cáo trên được WMO công bố trước thời điểm diễn ra Đại hội Khí tượng Thế giới (từ ngày 22/5 đến 2/6 tới) với nội dung trọng tâm nhằm thảo luận về các biện pháp hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Các ưu tiên thảo luận tại Đại hội Khí tượng Thế giới bao gồm việc bảo vệ con người trước thời tiết ngày càng khắc nghiệt và thiết lập hệ thống cơ sở hạ tầng giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới để cung cấp thông tin về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu./.