WMO: Bão và lốc xoáy ảnh hưởng tới hàng triệu người dân trên thế giới
(ĐCSVN) – Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, bão Ian đã gây ra sự tàn phá trên khắp miền Tây Cuba, gia tăng sức mạnh và quy mô khi đổ bộ vào Mỹ; trong khi đó, cơn bão Noru đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ vào Philippines.
Bão Ian được theo dõi về phía Nam Florida vào ngày 26/9/2022, bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ - NOAA. (Ảnh: NOAA) |
Hai cơn bão nhiệt đới ập đến nhanh chóng theo sau cơn bão Fiona, cơn bão đã gây ra lũ lụt chết người ở Caribe và là cơn bão mạnh nhất được ghi nhận đổ bộ vào Canada. Bão Nanmadol, đã khiến 9 triệu người ở Nhật Bản phải sơ tán.
Hệ quả của biến đổi khí hậu
Tổ chức Khí tượng Thế giới đã nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu dự báo sẽ làm tăng tỷ lệ các xoáy thuận nhiệt đới lớn trên toàn thế giới, và làm tăng lượng mưa lớn liên quan đến các sự kiện thời tiết này.
Trong khi đó, mực nước biển dâng và sự phát triển ven biển cũng đang làm trầm trọng thêm tác động của lũ lụt ven biển.
Ông Cyrille Honoré, Giám đốc chi nhánh Dịch vụ công và Giảm thiểu rủi ro thiên tai của WMO, cảnh báo: “Những tác động về con người và kinh tế - xã hội của những cơn lốc xoáy này sẽ được cảm nhận trong nhiều năm”.
Bão Ian
Siêu bão Ian đã đổ bộ vào miền Tây Cuba vào ngày 27/9. Theo truyền thông nước này, bão Ian mạnh cấp 3 trên thang cảnh báo bão gồm 5 cấp. Sức gió mạnh nhất đo được tại thời điểm bão Ian đổ bộ ở tỉnh Pinar del Rio của Cuba lên tới hơn 200 km/h, kèm theo gió giật mạnh dẫn đến lũ quét và lở bùn.
Văn phòng Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc cho biết, ước tính hơn 3 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi siêu bão này.
Theo WMO, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz Canel cho biết thiệt hại do Ian gây ra có thể sẽ rất đáng kể, dù mới chỉ có những đánh giá sơ bộ.
Mạng lưới điện của Cuba bị sập vào cuối 27/9, khiến cả nước mất điện ngay sau khi cơn bão Ian đi qua.
Cơn bão Ian đã tàn phá nghiêm trọng đối với tỉnh Pinar del Río, khu vực tập trung số lượng lớn hoạt động sản xuất thuốc lá làm xì gà – một biểu tượng của Cuba. Hàng chục nghìn người dân trong tỉnh đã phải sơ tán nhanh chóng khỏi khu vực trước khi bão Ian đi vào. Bão cũng đã gây lũ lụt, nhà cửa hư hại và cây đổ hàng loạt.
Tại tỉnh Artemisa lân cận, gần Thủ đô Havana, 40% diện tích trồng chuối của tỉnh này đã bị thiệt hại do cơn bão. Trong khi đó, ở Havana, mưa và gió mạnh cũng đã làm bật gốc nhiều cây cối, gây ngập lụt các khu vực trũng thấp và khiến nhiều tuyến đường của thành phố không thể đi lại.
Những cơn gió dữ dội làm vỡ cửa sổ và các mái nhà bằng kim loại khắp các khu vực. Các con đường dẫn vào khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão vẫn không thể đi lại, do bị chặn bởi cây đổ và đường dây điện.
Theo giới chức Cuba, bão đã đánh sập hệ thống lưới điện của nước này, gây sự cố mất điện cho toàn bộ 11,3 triệu dân của cả nước.
Florida trong tình trạng báo động cao
Bão Ian đã đổ bộ vào bờ biển phía Tây Nam bang Florida của Mỹ vào chiều 28/9 với sức gió mạnh khủng khiếp, gây mưa xối xả và làm hơn 1,3 triệu người rơi vào cảnh mất điện.
Theo Trung tâm Bão quốc gia (NHC) Mỹ, bão Ian với sức gió duy trì lên tới 241 km/giờ đổ bộ vào đảo Cayo Costa, bang Florida, vào lúc 15 giờ (giờ địa phương) ngày 28/9. Sức gió gần đạt cấp 5 theo thang đo 5 cấp Saffir-Simpson. Đây được coi là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử bang Florida và cũng là cơn bão mạnh thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ.
Giám đốc Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ Ken Graham cho biết Ian "là cơn bão chúng ta sẽ còn nói đến trong nhiều năm tới. Đây là một sự kiện lịch sử".
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cho biết bão Ian gây sóng biển nguy hiểm đe dọa tính mạng, lên tới 3,7m ở một số nơi. Các nhà dự báo thời tiết cũng cảnh báo về giông bão dữ dội và lốc xoáy có thể xảy ra, với lượng mưa lên tới 600mm ở các khu vực miền Trung Florida khi cơn bão di chuyển sâu hơn vào đất liền.
Hơn 1,3 triệu người Florida sống trong cảnh mất điện khi bão Ian đổ bộ, trong đó hạt Lee chịu ảnh hưởng nặng nhất với 403.000 người bị ảnh hưởng. Bão Ian đã gây ra lụt ở nhiều khu vực ven biển Tây Nam bang Florida, tình hình dự kiến sẽ còn xấu thêm. Hơn 2,5 triệu người dân đã được lệnh sơ tán trước cơn bão trong khi những người chưa kịp sơ tán được khuyến cáo tìm chỗ trú ẩn khẩn cấp.
Cơ quan tuần tra biên giới Mỹ hôm 28/9 cho biết 23 người mất tích ngoài khơi bờ biển Florida sau khi một chiếc thuyền di cư của người Cuba bị chìm do bão Ian.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo: “Ian đặt ra một mối đe dọa đặc biệt vì kích thước, sức mạnh của nó và sự đổ bộ của nó vào một khu vực đông dân cư, trũng thấp”.
Bão Noru
Trong khi đó, ở phía Đông bán cầu, bão Noru, cơn bão mạnh nhất tại Biển Đông từ đầu năm tới nay, đã đổ bộ vào khu vực đảo Luzon của Philippines. Khi tiến vào đất liền Philippines vào ngày 25/9, siêu bão Noru đã di chuyển ở tốc độ lên tới 195km/h.
Theo nhà chức trách địa phương, trước sức công phá khủng khiếp của cơn bão này, nhiều vụ lở đất do mưa lớn và gió mạnh đã được ghi nhận tại nhiều hòn đảo và cả khu vực Đông Bắc thủ đô Manila.
Mặc dù thời gian huy động tương đối ngắn nhưng hàng nghìn người đã được sơ tán thành công, hạn chế thiệt hại về người. Tuy nhiên, theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Thiên văn và Địa vật lý Khí quyển Philippines, sau khi rời khỏi Philippines vào đêm 26/9, bão Noru vẫn khiến ít nhất 8 người thiệt mạng. Hơn 74.000 người đã phải sơ tán khỏi nhà trước khi cơn bão đổ bộ. Khi quét qua Philippines, siêu bão Noru đã làm tốc mái nhà, sập đường dây điện và làm hư hại nhiều công trình.
Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết bão Noru đã ảnh hưởng đến hơn 141.312 hecta đất nông nghiệp, gây thiệt hại cho 82.158 nông dân và ngư dân. Tính đến ngày 27/9, Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính tổn thất về nông nghiệp của nước này trong siêu bão Noru là 1,29 tỷ Peso (21,9 triệu USD).
Sau đó, bão Noru đã tiến vào Việt Nam và mạnh lên một lần nữa.
Tầm quan trọng của cảnh báo sớm
Tổ chức Khí tượng Thế giới nhấn mạnh rằng các cảnh báo sớm chính xác và phối hợp hành động sớm là chìa khóa để hạn chế thương vong trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão Ian, Fiona và Noru.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Điều quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta mở rộng quy mô hành động trên các hệ thống cảnh báo sớm để xây dựng khả năng chống chịu với các rủi ro khí hậu hiện tại và tương lai ở các cộng đồng dễ bị tổn thương”./.