Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO: Tồn tại chênh lệch trong tiếp cận các vaccine thiết yếu

Thứ Sáu, 11/11/2022 11:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo báo cáo mới vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, nguồn cung hạn chế và phân phối vaccine không đồng đều đồng nghĩa với việc các nước thu nhập thấp phải vật lộn để tiếp cận với các vaccine thiết yếu hơn là những nước giàu.

Đây là báo cáo đầu tiên xem xét tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường vaccine và nêu bật sự chênh lệch về tiếp cận trên khắp thế giới. Báo cáo cho biết cách tổ chức thị trường toàn cầu không hỗ trợ đầy đủ cho việc phát triển, cung cấp và tiếp cận các loại vaccine thiết yếu, với một số khu vực gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các khu vực khác để cung cấp.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết quyền được chăm sóc sức khỏe bao gồm quyền được tiêm vaccine; đồng thời chỉ rõ báo cáo cho thấy sự năng động của thị trường tự do đã tước đi quyền này của một số người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

 Trẻ em được tiêm phòng trong một chiến dịch chống bại liệt ở khu vực phía Tây của Cameroon. (Ảnh: UNICEF)

Kêu gọi thay đổi

WHO kêu gọi những thay đổi rất cần thiết trong việc phân phối vaccine "để cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai".

Mặc dù năng lực sản xuất đã tăng lên trên toàn cầu, song vẫn tập trung cao độ ở một số nhà cung cấp. Chỉ riêng 10 nhà sản xuất đã cung cấp 70% liều vaccine, không bao gồm những liều dành cho COVID-19.

Một số trong 20 loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất, chẳng hạn như vaccine liên hợp phế cầu (PCV) và virus gây u nhú ở người (HPV), vaccine sởi và rubella, hiện chủ yếu dựa vào hai nhà cung cấp.

Việc tập trung sản xuất có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt cũng như mất an ninh nguồn cung trong khu vực. Vào năm 2021, các khu vực châu Phi và Đông Địa Trung Hải phụ thuộc vào các nhà sản xuất có trụ sở chính ở nơi khác để cung cấp tới 90% vaccine của họ.

Những lý do chính dẫn tới chênh lệch

Theo WHO, nguồn cung vaccine hạn chế và sự phân phối không đồng đều là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chênh lệch trên toàn cầu.

Vaccine HPV chống ung thư cổ tử cung mới chỉ được giới thiệu ở 41% các nước thu nhập thấp, mặc dù các nước này lại phải chịu phần lớn gánh nặng bệnh tật. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với 83% ở các nước thu nhập cao.

Ngoài ra, khả năng chi trả cũng là một rào cản trong việc tiếp cận với vaccine. Trong khi giá cả có xu hướng phân chia theo thu nhập, chênh lệch giá có nghĩa là các nước thu nhập trung bình có xu hướng phải trả nhiều hơn các nước giàu cho một số sản phẩm vaccine.

Theo WHO, năm ngoái, khoảng 16 tỷ liều vaccine, trị giá 141 tỷ USD, đã được cung cấp - gần gấp 3 lần khối lượng thị trường năm 2019 là 5,8 tỷ và gần gấp 3,5 lần giá trị thị trường, tương đương 38 tỷ USD. Sự gia tăng này chủ yếu là do vaccine COVID-19, cho thấy tiềm năng đáng kinh ngạc về cách sản xuất vaccine có thể được mở rộng để đáp ứng nhu cầu sức khỏe.

Trong bối cảnh đó, WHO đang kêu gọi các chính phủ, nhà sản xuất và đối tác thực hiện hành động đầy tham vọng để bảo đảm tiếp cận công bằng với vaccine và cải thiện khả năng ứng phó với các đại dịch trong tương lai./.

Khánh Linh (Theo UN, WHO, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN