Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nâng cao nhận thức về đuối nước

Thứ Ba, 25/07/2023 09:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Henri P. Kluge đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nâng cao nhận thức về đuối nước như một vấn đề sức khỏe cộng đồng, viện dẫn số liệu thống kê trung bình mỗi năm, châu Âu ghi nhận khoảng 20.000 ca tử vong do đuối nước.

Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Henri P. Kluge. (Ảnh: EPA) 

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 24/7, ông Kluge đã lên tiếng cảnh báo, hầu hết chúng ta hiếm khi nghĩ về việc đuối nước như một mối nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng với tác động đáng kể; song thực tế lại cho thấy điều ngược lại.

Vụ tàu đánh cá Adriana chở người di cư bị lật úp ở vùng biển giữa Hy Lạp và Italia vào tháng 6/2023 đã là minh chứng rõ ràng cho sự thảm khốc của các vụ tai nạn trên biển. Phần lớn người đã chết trên tàu Adriana bị lật úp vào ngày 14/6 đến nay vẫn chưa rõ tên tuổi. Đó là một tàu đánh cá được trưng dụng để chở đến hơn 700 người từ nhiều quốc gia khác nhau trên hành trình từ Libya đến Italia. Khoảng 104 người đã được giải cứu khi con tàu gặp sự cố, nhưng hàng trăm người khác hiện vẫn chưa được tìm thấy. "Trong thảm họa đó, hơn 600 người đã túm tụm lại trong tuyệt vọng và cùng nhau chìm xuống biển. Hầu hết các thi thể có thể sẽ không bao giờ được tìm thấy" – ông Kluge nói.

Theo WHO, phần lớn các nạn nhân chết đuối là những trường hợp bơi một mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ bể bơi không được giám sát cho đến dòng chảy xa bờ gây chết người. Trong đó, châu Âu là nơi tiêu thụ rượu nhiều nhất tính trên đầu người và thực tế đó cũng làm gia tăng thêm tính nghiêm trọng của tình trạng đuối nước. “Rượu có liên quan đến 26% tổng số ca tử vong do đuối nước ở khu vực châu Âu” – ông Kluge nêu rõ.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng di cư cũng đang khiến các rủi ro liên quan tới đuối nước trở nên trầm trọng hơn. "Theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế, khoảng 34.000 người đã chết đuối trong quá trình di cư kể từ năm 2014" – ông Kluge nói.

Theo lý giải của ông Kluge, những con số nêu trên chiếm 60% tổng số ca tử vong liên quan đến các hoạt động di cư, với gần 4/5 ca tử vong xảy ra ở Địa Trung Hải và eo biển Măng-sơ – vốn đều thuộc Khu vực châu Âu của WHO.

Từ những dẫn chứng nêu trên, trong thông điệp phát đi nhân Ngày thế giới phòng chống đuối nước năm nay (25/7/2023), quan chức WHO đã kêu gọi hành động khẩn cấp để hạn chế các trường hợp tử vong do đuối nước. "Chúng ta cần đảm bảo rằng, mức độ tập trung tập thể của chúng ta liên quan tới vấn đề đuối nước không còn được đưa ra dựa trên thảm họa thương vong hàng loạt mới nhất... mà là làm thế nào để ngăn chặn thiệt hại về tính mạng con người trong các vụ đuối nước ngay từ thời điểm ban đầu” – ông Kluge nói.

Những thiệt hại do đuối nước hoàn toàn có thể ngăn ngừa được

 Ảnh minh họa: WHO

Theo số liệu thống kê của WHO, đã gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong do đuối nước trong thập kỷ qua. Phần lớn các trường hợp tử vong này (90%) xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Xét trên quy mô toàn thế giới, tỷ lệ đuối nước phổ biến nhất xảy ra ở trẻ em từ 1– 4 tuổi, tiếp theo là trẻ em từ 5 – 9 tuổi.

Năm 2023, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 76 đã thông qua nghị quyết đầu tiên về phòng chống đuối nước. Nghị quyết đề cập tới vai trò phối hợp hành động của WHO trong hệ thống Liên hợp quốc về phòng chống đuối nước và thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức nhân Ngày thế giới phòng chống đuối nước hàng năm.

Nhân Ngày thế giới phòng chống đuối nước năm nay, WHO sẽ tiếp tục tập trung vào việc nâng cao nhận thức về đuối nước như một vấn đề sức khỏe cộng đồng, nhắc nhở mọi người rằng bất kỳ ai cũng có thể bị đuối nước, nhưng không ai nên trở thành nạn nhân bị đuối nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, WHO đang nâng cao nhận thức về 6 biện pháp can thiệp phòng chống đuối nước chi phí thấp, dựa trên bằng chứng mà các quốc gia và tổ chức có thể sử dụng để giảm đáng kể nguy cơ đuối nước. Cụ thể gồm:

-      Huấn luyện kỹ năng cứu nạn và cấp cứu an toàn.

-      Thiết lập và thực thi các quy định an toàn về di chuyển, vận chuyển bằng các phương tiện giao thông đường thủy như: thuyền, phà, tàu.

-      Tăng cường quản lý rủi ro lũ lụt ở phạm vi địa phương và quốc gia.

-      Lắp đặt các hệ thống rào chắn kiểm soát việc tiếp cận nguồn nước.

-      Thiết lập những nơi an toàn cho trẻ mẫu giáo, với dịch vụ chăm sóc trẻ đáp ứng các tiêu chí phù hợp.

-      Dạy trẻ em ở độ tuổi đi học kỹ năng bơi cơ bản và cứu nạn an toàn.

T.Lan (Theo Xinhua, WHO)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN