WHO duy trì mức cảnh báo cao nhất về đại dịch COVID-19
(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/1 đã quyết định duy trì mức cảnh báo tối đa đối với đại dịch COVID-19, 3 năm kể từ ngày tuyên bố căn bệnh này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên phạm vi quốc tế.
Một người dân ở Tirana, Albania được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi thứ ba. (Ảnh: WHO) |
Quyết định này được đưa ra hai ngày sau cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban khẩn cấp về quy định y tế quốc tế của WHO, diễn ra vào chiều 27/1 vừa qua. và Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng tình rằng nên tiếp tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế về dịch bệnh này. Tiến sĩ Tedros cho biết rằng ông coi việc dỡ bỏ mức cảnh báo cao nhất là quá sớm.
Tuyên bố của WHO cho biết: “Tổng giám đốc thừa nhận khuyến nghị của Ủy ban rằng đại dịch COVID-19 có khả năng đang ở điểm chuyển tiếp và đánh giá cao lời khuyên của Ủy ban trong việc điều hướng cẩn thận quá trình chuyển đổi này và giảm thiểu mọi hậu quả tiêu cực tiềm ẩn”.
Rủi ro thường trực do COVID-19 gây ra
Tuyên bố cuối tuần qua, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Mặc dù thế giới đang ở một vị trí tốt hơn so với khi tốc độ lây truyền Omicron đạt đỉnh điểm một năm trước, nhưng hơn 170.000 ca tử vong liên quan đã được báo cáo trên toàn cầu trong 8 tuần qua". Tiến sĩ Tedros cũng đồng thời cảnh rằng "giám sát di truyền và trình tự đã giảm trên toàn thế giới, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện các biến thể mới trở nên khó khăn hơn”.
Về phần mình, các thành viên của Ủy ban khẩn cấp về quy định y tế quốc tế của WHO bày tỏ “quan ngại về nguy cơ tiếp diễn của dịch bệnh, với số ca tử vong vẫn cao so với các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp khác. Các chuyên gia cũng chỉ ra "việc không đủ lượng vắc-xin được tiêm ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như ở các nhóm có nguy cơ cao trên toàn cầu và sự không chắc chắn liên quan đến các biến thể mới nổi".
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, Ủy ban thừa nhận rằng “sự mệt mỏi do đại dịch và giảm nhận thức về rủi ro của công chúng đã dẫn đến việc giảm mạnh việc sử dụng các biện pháp xã hội và y tế công cộng, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”.
Đạt được độ bao phủ tiêm chủng 100% cho các nhóm ưu tiên cao
Ngoài ra, Tổng giám đốc WHO đã cập nhật các khuyến nghị cho tất cả các quốc gia thành viên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hành tinh phải duy trì đà tiêm chủng "để đạt được mức độ bao phủ 100% cho các nhóm ưu tiên cao", lấy cảm hứng từ các khuyến nghị của nhóm tư vấn chính của WHO về vắc-xin và tiêm chủng (SAGE) về việc sử dụng vắc-xin và tiêm chủng liều tăng cường.
WHO nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên nên lập kế hoạch tích hợp tiêm chủng ngừa COVID-19 vào các chương trình tiêm chủng suốt đời, đồng thời kêu gọi các quốc gia cải thiện việc báo cáo dữ liệu giám sát SARS-CoV-2 tại WHO.
Đối với cơ quan của Liên hợp quốc, cũng cần có dữ liệu tốt hơn để phát hiện, đánh giá và giám sát các biến thể mới nổi; xác định những thay đổi đáng kể trong dịch tễ học của virus Corona; và hiểu được gánh nặng bệnh tật ở tất cả các vùng.
Tổng quát hơn, đó là vấn đề duy trì năng lực ứng phó mạnh mẽ của quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh xuất hiện “chu kỳ hoảng loạn-từ bỏ”. Theo WHO, tiếp tục điều chỉnh tất cả các biện pháp còn lại liên quan đến du lịch quốc tế, dựa trên đánh giá rủi ro và không yêu cầu bằng chứng tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 như điều kiện tiên quyết để đi du lịch quốc tế.
Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) là một tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.
PHEIC là một khái niệm chỉ dùng cho những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động. |