Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

WHO: 42% dân số Tây Thái Bình Dương bị mắc các bệnh về răng miệng

Thứ Sáu, 09/06/2023 09:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới hơn 800 triệu hay 42% người dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương mắc các bệnh về răng miệng, như sâu răng, bệnh nướu răng hoặc rụng răng, không được điều trị.

Nhân viên y tế khám sức khỏe răng miệng cho người dân. (Ảnh minh họa: WHO)

Báo cáo tình trạng sức khỏe răng miệng toàn cầu do WHO đưa ra ngày 8/6 đã chỉ ra rằng, các bệnh về răng miệng ở khu vực Tây Thái Bình Dương đã tăng gần 30% trong 30 năm qua, từ khoảng 629 triệu ca vào năm 1990 lên hơn 800 triệu ca vào năm 2019.

Báo cáo cho biết người dân ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỷ lệ bị rụng răng cao nhất trong số 6 khu vực của WHO, với khoảng 92 triệu người từ 20 tuổi trở lên bị rụng hết răng, trong đó có 25% người ở độ tuổi 60 tuổi trở lên. Sức khỏe răng miệng kém ở người lớn tuổi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ, dẫn đến đau, nhai kém và thiếu hụt dinh dưỡng.

Theo đánh giá của WHO, mặc dù các bệnh răng miệng phần lớn có thể phòng ngừa được, song chỉ rất ít quốc gia ở Tây Thái Bình Dương đầu tư thỏa đáng vào nỗ lực giải quyết vấn đề này. Theo số liệu thống kê mới được công bố, có tới một nửa các quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình chi ít hơn 10 USD/người/năm cho việc chăm sóc sức khỏe răng miệng, so với mức trung bình toàn cầu là 50 USD/người/năm.

Báo cáo của WHO cảnh báo rằng, với số lượng người lớn tuổi ngày càng tăng trong khu vực, gánh nặng về các bệnh răng miệng có thể sẽ trở nên nghiêm trọng trong những năm tới, trừ khi các quốc gia trong khu vực tích hợp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng thiết yếu vào các gói phúc lợi bảo hiểm y tế toàn dân. Mặc dù các bệnh răng miệng ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, song lại tác động nhiều hơn đến các nhóm người yếu thế, bao gồm những người sống trong các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người sống trong các cộng đồng khó tiếp cận và người già sống một mình hoặc trong các nhà chăm sóc. Những nhóm người này thường bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng.

Liên quan tới khía cạnh này, quyền Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO - bà Zsuzsanna Jakab tin tưởng rằng, “khi các quốc gia hướng tới bảo hiểm y tế toàn cầu, việc tăng cường và điều trị sức khỏe răng miệng nên được đưa vào các gói chăm sóc sức khỏe người dân”.

Để hỗ trợ các quốc gia hành động nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng của người dân, các quốc gia thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết lịch sử về sức khỏe răng miệng vào năm 2021 nhằm mục đích cung cấp dịch vụ phòng ngừa và điều trị sức khỏe răng miệng như một phần của bảo hiểm y tế toàn dân. Kể từ đó, WHO đã phát triển Chiến lược Toàn cầu toàn diện về sức khỏe răng miệng, được các quốc gia thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 2022. Kế hoạch hành động về sức khỏe răng miệng toàn cầu mới 2023 – 2030, vừa được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới năm 2023, bao gồm 100 biện pháp can thiệp theo định hướng hành động mạnh mẽ hơn và phối hợp hơn về sức khỏe răng miệng./.

T.Lan (Theo WHO, Xinhua)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN