Vĩnh Phúc triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2022
(ĐCSVN) - UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2573/QĐ-UBND, ngày 21/10/2019, về việc phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2022.
Ảnh minh họa (Nguồn: Tiến Trọng) |
Với mục đích thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở những nơi có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính Phủ về Nông nghiệp hữu cơ và tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN 11041-1:2017; TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-3:2017), nhằm đáp ứng yêu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng; tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp.
Đồng thời nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh tháivà thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo Kế hoạch đã được phê duyệt nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình) tham gia thực hiện theo quy định pháp luật với một số nội dung chính như sau:
Về tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và hội thảo: 10 lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã về nông nghiệp hữu cơ (01 lớp cấp tỉnh và 9 lớp cấp huyện, xã); 9 lớp tập huấn trực tiếp cho người sản xuất tham gia mô hình (5 lớp về sản xuất rau, 2 lớp về sản xuất cây dược liệu, 01 lớp về nuôi lợn thịt, 01 lớp về gà lợn thịt); 5 hội nghị thăm quan đầu bờ để tuyên truyền nhân rộng mô hình.
Về xây dựng, thực hiện các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ có kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn và đạt chứng nhận hữu cơ.
- Về xây dựng các vùng sản xuất rau theo hướng hữu cơ: Rau sản xuất theo hướng hữu cơ nằm trong quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1674/QĐ-UBND ngày 20/7/2012, trong đó diện tích đất tập trung là 832ha. Diện tích sản xuất tập trung từ 0,3 ha trở lên, dự kiến thực hiện hỗ trợ cho khoảng 4.992 ha trong 3 năm (mỗi năm thực hiện hỗ trợ 1.664ha/2 vụ); hỗ trợ về phân hữu cơ vi sinh, sinh học và thuốc BVTV sinh học, thảo mộc.
Tổng kinh phí để thực hiện các nội dung trên theo dự toánkhoảng 102 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ là trên 28 tỷ đồng (năm 2020: 9,8 tỷ đồng, năm 2021: 9,2 tỷ đồng, năm 2022: 9 tỷ đồng) và nguồn đối ứng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình hoặc nhóm hộ sản xuất, kinh doanh khoảng74 tỷ đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này theo đúng nội dung được phê duyệt. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự toán và Kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định./.