Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc tiếp tục phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp

Chủ Nhật, 06/10/2019 19:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCCSVN) - Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thiện các nội dung trình Chính phủ phê duyệt và cho khởi công xây dựng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Tính đến hết tháng 8/2019, các khu công nghiệp thu hút 60 dự án DDI, tổng vốn đầu tư trên 14.452 tỷ đồng; 276 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 3.683 triệu USD. Trong đó, có 247 dự án đang hoạt động; 31 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 53 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án và bồi thường, giải phóng mặt bằng; 5 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động.

Từ  các cơ chế, chính sách thông thoáng và việc thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên cho các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đang thu hút các dự án đầu tư của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những tập đoàn lớn vào đầu tư như: Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Young pong, Hyosung, Jawha… Cùng với việc gia tăng các dự án cấp mới, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã khẳng định được năng lực, tính hiệu quả, chất lượng của sản phẩm trên thị trường và đã không ngừng tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động, đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng ở thị trường trong nước cũng như trên thế giới, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng từng năm.

Cùng với đó, chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn II); triển khai các nội dung về đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Lập Thạch I, Thái Hòa, Liễn Sơn; điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Đồng Sóc, Vĩnh Tường thành khu công nghiệp; chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp Bá Thiện II, Tam Dương II (khu A), khu công nghiệp Bình Xuyên, Bình Xuyên II. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo đột phá mới trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.

Quyết tâm tạo ra những đột phá mới trong thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước: Hà Lan, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc sớm đạt và vượt chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Cụ thể, hết tháng 3/2019, tỉnh đã vượt chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư các dự án DDI của cả năm 2019; hết tháng 7/2019, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đối với các dự án FDI là 71% và các dự án DDI là 89% kế hoạch năm. Theo dự kiến của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Vĩnh Phúc sẽ thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI, tăng ít nhất từ 0,2 tỷ USD trở lên so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và 33.300 tỷ đồng từ dự án DDI, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra.

An Nguyên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN