Vĩnh Phúc tập trung thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
(ĐCSVN) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ chung cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong hệ thống chính trị phải gương mẫu đi đầu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ chung cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. (Ảnh minh họa: K.S) |
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của người dân đã có bước chuyển biến tích cực; công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư; các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng; một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; tai nạn giao thông giảm chưa “bền vững”... đã tác động tới việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; kế hoạch số 157-KH/TU ngày 28/7/2023 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, đồng thời, để đẩy mạnh công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động để triển khai các nội dung cụ thể.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao ý thức, kỹ năng khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông tốt đẹp, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông một cách “bền vững”, giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Đồng thời, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đi cùng với đó là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về giao thông thống nhất, thông suốt, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao nhiệm vụ chung cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hoá chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong hệ thống chính trị phải gương mẫu đi đầu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tiếp tục giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ rõ, các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được xác định rõ trong chương trình công tác hằng năm và dài hạn của các sở, ban, ngành, địa phương. Siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông.
Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý trật tự, an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chủ động đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Đặc biệt, nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Khẩn trưởng điều tra, xử lý, làm rõ các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý. Các chủ trương đầu tư làm phát sinh gia tăng nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự, an toàn giao thông.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần đa dạng hoá nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan, đoàn thể giáo dục cho thanh, thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật và các hành vi văn hoá trong tham gia giao thông. Xây dựng, nhân rộng mô hình an toàn, văn minh về trật tự, an toàn giao thông theo từng khu phố, tuyến đường, cổng trường, xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố điểm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tích cực, chủ động phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng các trường hợp có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật,…/.