Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giám sát, phản biện xã hội - phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân

Thứ Tư, 16/10/2024 14:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Nhiệm kỳ qua, công tác giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được xem là một trong những hoạt động đột phá của MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Thông qua 04 hình thức giám sát được quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn để phát huy thế mạnh của từng hình thức, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, từng nội dung được giám sát; trong đó hình thức tổ chức đoàn giám sát được chú trọng triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực và có những bước tiến dài trong công tác giám sát.

Hội thảo nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. 

Từ 2019 đến tháng 6/2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bình Định đã chủ trì thành lập 1.772 đoàn; hiệp thương giao các tổ chức chính trị-xã hội giám sát từ 4 -5 nội dung/năm, tập trung chủ yếu những vấn đề được Nhân dân quan tâm, giám sát hoạt động của các cơ quan thực thi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước (Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp, việc thực hiện các chế độ, chính sách; việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và nhiều nội dung trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giám sát đảng viên...); phối hợp tham gia với các cơ quan, ban, ngành cùng cấp giám sát theo chuyên đề 2.776 lượt. Trong quá trình giám sát, các Đoàn giám sát không chỉ làm việc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị được giám sát, tìm hiểu thông qua tài liệu, hồ sơ, báo cáo, mà còn tùy vào từng nội dung giám sát, đoàn đã có những phương thức phù hợp để thu thập, nắm bắt thông tin, làm rõ vấn đề (khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp với người dân, hộ gia đình, những đối tượng liên quan...) để có được kết quả giám sát khách quan, xác thực, đúng mục đích, yêu cầu của cuộc giám sát.

Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan tiếp tục bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện các chủ trương, chính sách (nếu có); khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý, thực thi chính sách, pháp luật; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn bức xúc của Nhân dân và của các địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, từ năm 2019-2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 249 Hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo về quy định các chế độ, chính sách, mức chi cho một số hoạt động, một số đề án, dự án quy hoạch, xây dựng, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất, làng nghề, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị..., những dự thảo chính sách liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân; tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý 1.295 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: Văn kiện Đại hội Đảng các cấp; các dự thảo luật, Nghị quyết, Quyết định của HĐND, UBND cùng cấp... 

Để nâng cao chất lượng các cuộc phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Bình Định đã phát huy vai trò tích cực của các chuyên gia là nhân sĩ, trí thức, các ủy viên Ủy ban Mặt trận, các ban, hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ trên các nội dung, các lĩnh vực cần phản biện, qua đó đã phát huy vai trò của Mặt trận trong tham gia hoạch định, ban hành các chủ trương, chính sách đúng, phù hợp, khả thi, tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Từ thực tiễn hoạt động, có thể khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định trong thời gian qua được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp, nhất là trong giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách, vấn đề lớn có tác động rộng rãi đến đời sống Nhân dân và các chương trình trọng điểm, góp phần xây dựng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, được sự đồng thuận của Nhân dân, phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao vai trò, vị trí, quyền và trách nhiệm của MTTQ trong việc thực hiện chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Tập trung giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách lớn, ưu tiên của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Nhiều nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam đã mang lại kết quả tích cực, giúp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời khắc phục những thiếu sót, tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập trong thực thi nhiệm vụ, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì thành lập 31 đoàn giám sát để tổ chức giám sát theo chuyên đề; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở cơ sở đã chủ trì, phối hợp giám sát được 231.110 cuộc; trong đó, cấp tỉnh giám sát được 7.508 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, chủ trì giám sát được 39.794 cuộc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, chủ trì giám sát được 183.808 cuộc.

Hoạt động phản biện xã hội tiếp tục được hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp quan tâm triển khai, góp phần phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. 

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức được 16 hội nghị phản biện xã hội. Các tổ chức thành đã tổ chức phản biện xã hội đối với 19 dự thảo văn bản. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã chủ trì tổ chức 85.886 cuộc; trong đó cấp tỉnh tổ chức được 6.979 cuộc, cấp huyện đã tổ chức 16.002 cuộc; cấp xã đã tổ chức 62.905 cuộc. Nhiều ý kiến phản biện xã hội đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước xem xét, hoàn thiện và ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, là một phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là kênh thông tin quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, trong nhiệm kỳ, hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam được các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân rất quan tâm. "Điều đó thể hiện qua công tác chỉ đạo, theo dõi các nội dung giám sát, phản biện xã hội mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai; đặc biệt là Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân và báo cáo giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trước Quốc hội được nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá cao", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh./.

Cẩm Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN