Vĩnh Phúc phát triển vùng dân tộc thiểu số: Đồng hành vì cuộc sống ấm no, bền vững
(ĐCSVN) - Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại Vĩnh Phúc ngày càng khởi sắc. Các chính sách đồng bộ đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ vượt khó vươn lên mà còn phát huy bản sắc văn hóa, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Vĩnh Phúc hiện có khoảng 59.000 người dân tộc thiểu số, chủ yếu thuộc các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường, Nùng (Ảnh: HN) |
Đồng bộ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
Vĩnh Phúc hiện có khoảng 59.000 người dân tộc thiểu số, chủ yếu thuộc các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường, Nùng, sinh sống tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, tỉnh luôn xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, cần được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị.
Trong những năm qua, tỉnh đã xây dựng và thực hiện hàng loạt chương trình, chính sách nhằm cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách này không chỉ tập trung hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà còn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giáo dục, y tế và khuyến khích phát triển kinh tế.
Từ năm 2019 đến nay, hơn 149 hộ dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo đã được vay vốn tín dụng ưu đãi; 493 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với kinh phí gần 740 triệu đồng; 103 hộ được giải quyết thủ tục về đất ở. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt 65 công trình hạ tầng thiết yếu tại 11 xã vùng dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, như thăm hỏi, tặng quà, cấp báo và ấn phẩm miễn phí. Từ năm 2019 đến nay, tổng kinh phí thực hiện chính sách này đạt 2,94 tỷ đồng, góp phần khuyến khích vai trò của người có uy tín trong việc vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Một trong những điểm sáng trong công tác dân tộc tại Vĩnh Phúc là việc khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi từ sản xuất tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế hàng hóa. Tỉnh đã triển khai nhiều mô hình kinh tế ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tập trung vào các giống cây trồng có năng suất cao như cà chua ghép, thanh long ruột đỏ, na dai, hoặc các vùng chuyên canh dược liệu như ba kích, trà hoa vàng.
Không chỉ giới hạn trong nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số tại Vĩnh Phúc còn phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ như vận tải, kinh doanh ăn uống và du lịch sinh thái. Các điểm du lịch nổi tiếng như hồ Đại Lải, vườn quốc gia Tam Đảo, khu di tích Tây Thiên không chỉ thu hút khách du lịch mà còn tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Nhờ những nỗ lực này, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số năm 2024 đạt 61,2 triệu đồng, tăng 1,2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,1% (năm 2020) xuống còn 0,98% (năm 2024). Đây là kết quả đáng ghi nhận, khẳng định hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Bên cạnh phát triển kinh tế và xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (Ảnh: PV) |
Vĩnh Phúc luôn chú trọng đầu tư vào y tế và giáo dục để nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đã cấp miễn phí hơn 30.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân vùng khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 100.000 lượt người. Các trạm y tế xã miền núi đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh tại chỗ đạt 100%.
Trong giáo dục, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường không ngừng tăng, đạt 80,5% ở cấp trung học phổ thông và tương đương. Nhiều học sinh dân tộc thiểu số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, góp phần nâng cao nguồn nhân lực vùng miền núi. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã tuyên dương 1.145 lượt học sinh và giáo viên người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc, khích lệ tinh thần học tập và rèn luyện.
Bên cạnh phát triển kinh tế và xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc như Sán Dìu, Dao, Cao Lan được duy trì và quảng bá, kết hợp với phát triển du lịch văn hóa. Vai trò của người có uy tín trong cộng đồng được phát huy, giúp truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp và gắn kết cộng đồng.
Hướng tới phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số
Để tiếp tục phát triển vùng dân tộc thiểu số một cách bền vững, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới. Theo bà Phùng Thị Kim Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc nâng cao nhận thức và ý thức tự vươn lên của đồng bào là yếu tố then chốt. Tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào tham gia xây dựng, giám sát và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Các giải pháp cụ thể bao gồm tăng cường đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ vào hệ thống giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc. Đồng thời, thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và dịch vụ.
Cùng với đó là phát triển giáo dục, y tế. Quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo tại vùng dân tộc thiểu số sẽ được nâng cao. Hệ thống y tế sẽ được củng cố thêm về trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Đồng thời, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các lễ hội, phong tục tập quán đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với phát triển du lịch văn hóa để vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị kinh tế.
Ngoài ra, tăng cường vai trò của người có uy tín. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được tuyên truyền, vận động để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người có uy tín trong cộng đồng sẽ là cầu nối giữa chính quyền và người dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xã miền núi đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; 50% thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư được cắt giảm, đơn giản hóa. Đồng thời, 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% cấp huyện và 60% cấp xã sẽ được xử lý trên môi trường số.
Tỉnh cũng đặt kỳ vọng giảm tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số xuống mức thấp nhất, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người tăng ổn định qua từng năm.
Những kết quả đã đạt được cho thấy, chính sách dân tộc của Vĩnh Phúc đang đi đúng hướng, phát huy hiệu quả, tạo động lực mạnh mẽ cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên. Từ việc cải thiện kinh tế, chăm lo y tế, giáo dục đến bảo tồn văn hóa, tỉnh đang xây dựng vùng dân tộc thiểu số trở thành khu vực phát triển bền vững, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc.