Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ Tư, 29/12/2021 13:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, triển khai hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả bước đầu. Bước sang năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở thông qua đào tạo, tập huấn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, xã,…

Những kết quả bước đầu

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Chiến lược Quốc gia về Phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả bước đầu. Cụ thể, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí, truyền hình, các Đài truyền thanh cơ sở; thông qua tuyên truyền kỷ niệm ngày truyền thống Phòng chống thiên tai Việt Nam.

Cụ thể, Sở NN&PTNT, các cơ quan báo chí của tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về phòng chống thiên tai cho người dân; đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Tăng cường thời lượng, nội dung phản ánh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng ngừa ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai gắn với tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở chuyên mục “Phòng chống thiên tai” trên trang chủ của Cổng thông tin điện tử tỉnh. Đăng tải, cập nhật đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Trong năm 2021, các cơ quan báo chí, truyền hình của tỉnh đã tuyên truyền, đăng tải hàng trăm tin bài, ảnh, phóng sự video, văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, ngành Giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền cho giáo viên, học sinh, phụ huynh nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai,…

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Vĩnh Phúc tiếp tục kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Trong đó, trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả 136/136 xã, phường, thị trấn đã kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai. Chuyển giao tài liệu tập huấn của Ban Chỉ đạo xuống cấp huyện, cấp xã để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, có 9 huyện, thành phố; 136 xã, phường, thị trấn có Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã được kiện toàn trước tháng 5/2021. Cơ cấu thành viên Ban chỉ huy cấp huyện, xã được kiện toàn theo quy định của Chính phủ.

Triển khai thực hiện Chiến lược, trong năm 2021, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho hơn 1.450 lượt cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và nhân dân trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đáng chú ý, năm 2021, Vĩnh Phúc đã tiếp nhận từ Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: nhà bạt 5 bộ, phao tròn cứu sinh 500 chiếc, áo pháo cứu sinh 2.000 chiếc, phao bè nhẹ 10 chiếc, máy bơm chữa cháy 1 bộ. Tỉnh đã tổ chức diễn tập ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh tại huyện Tam Dương vào tháng 6/2021. Tổ chức 6 cuộc diễn tập ứng phó bão, lụt, tìm kiếm cứu nạn và 2 cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng (cấp xã). Qua đó đã kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao khả năng điều hành của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng quân sự, công an với nhân dân trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn.

Cũng trong năm 2021, địa phương đã đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai. Trong đó, xây dựng 2 công trình kè chống sạt lở bờ sông chiều dài 500m. Sửa chữa các cống dưới đê, hành lang chân đê thuộc Kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều năm 2021 với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các hồ đập từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh với khoảng 8,3 tỷ đồng.

Qua khảo sát năm 2021 trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố đạt 98,9%; nhà thiếu kiên cố, đơn sơ 1,1% thấp hơn so với cả nước (6,9%). Năm 2021, tỉnh đã ban hành Quyết định quy định các tiêu chí đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh,…

 Ảnh minh họa (Nguồn: CTV)

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Trên cơ sở Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai và liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai; hướng dẫn, phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai, nhất là kỹ năng ứng phó khi xảy ra tình huống thiên tai lớn, phức tạp cho các cấp chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Tăng cường xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở thông qua đào tạo, tập huấn, từng bước đầu tư trang thiết bị cho lực lượng xung kích. Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện, xã.

Ngoài ra, đánh giá hiện trạng đê điều và các công trình phòng chống thiên tai, từ đó có kế hoạch đầu tư, tu sửa bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập theo mức thiết kế; tăng cường công tác quản lý đê điều, hộ đê, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi.

Tổ chức diễn tập phương án ứng phó với các tình huống vỡ đê, vỡ đập, lũ lớn, ngập lụt, xả lũ khẩn cấp; diễn tập ứng phó cháy rừng. Đồng thời, hoàn thiện các phương án phòng chống thiên tai, phòng lũ, đê điều và thủy lợi tích hợp trong quy hoạch của tỉnh. Rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp. Theo dõi diễn biến và cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh; tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu…./.

Thanh Hương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN