Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Vĩnh Phúc: Tập trung chuẩn bị cho vụ Đông 2016

Thứ Tư, 21/09/2016 18:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vĩnh Phúc, vụ Đông 2016, toàn tỉnh phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 21.500ha với tổng giá trị theo giá thực tế đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc phấn đấu đạt 21.500 ha diện tích trồng cây vụ Đông 2016 (Ảnh: BT)

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, trong vụ Đông 2015, toàn tỉnh gieo trồng được 20.626,9 ha cây hàng năm các loại, đạt 91,68% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất toàn vụ, tính theo giá thực tế ước đạt trên 1.100 tỷ đồng.

Trong đó, diện tích ngô gieo trồng đạt 11.750,4ha, đạt 97,92% so với kế hoạch; năng suất đạt 42,41 tạ/ha, tăng 1,01% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 49.837,5 tấn. Với khoai lang, diện tích gieo trồng đạt 1.626,4ha; năng suất đạt 103,18 tạ/ha, sản lượng đạt 16.718,2 tấn. Với rau các loại, diện tích gieo trồng đạt 4.991,1ha, đạt 99,82% so với kế hoạch, tăng 1,06% so với cùng kỳ. Năng suất đạt 212,1 tạ/ha; sản lượng đạt 105.860 tấn.

Trong vụ Đông 2015, tỉnh đã triển khai được 204 vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa với diện tích gieo trồng 1.797,528ha. Trong đó, hiệu quả của các cây trồng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong tỉnh. Cụ thể, cây cà chua và cây ớt cho lãi gần 100 triệu đồng/ha, dưa các loại cho lãi 85 triệu đồng/ha, su su cho lãi gần 100 triệu đồng/ha,…trong khi trồng lúa 1ha cho thu lãi chỉ đạt trên 10 triệu đồng. Ước  thu nhập tăng thêm từ các mô hình trồng trọt sản xuất hàng hóa đạt trên 21 tỷ đồng.

Vụ Đông 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, vụ Đông năm 2016 tiếp tục diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu; giá thành sản xuất đầu vào về giống, vật tư, phân bón,…còn ở mức cao so với sản phẩm nông sản. Vì vậy, ngành cần có nhiều cố gắng để đạt được mục tiêu đề ra (diện tích trồng cây vụ Đông 21.500ha). Trong đó, riêng cây ngô, diện tích phấn đấu đạt 12.000ha, tổng sản lượng đạt 51.600 tấn.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể với ngành NN&PTNT nhằm làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Trên cơ sở định hướng của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương cần cụ thể hóa phù hợp, bám sát tình hình sản xuất để có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó, vụ Đông 2016, Thanh tra Sở chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành thị các ngành liên quan tổ chức 2-3 đợt thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất về chất lượng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Không để tình trạng các cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm sử dụng,…gây ảnh hưởng đến sản xuất. Kết quả thanh kiểm tra cần được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, cần bố trí cơ cấu cây trồng, giống và thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, tăng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa quả, cây ưa lạnh, cây trung tính; tăng diện tích đậu tương, sử dụng giống ngô chuyển gen kết hợp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu để tranh thủ thời vụ.

Thêm vào đó, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tích cực thực hiện tốt quy trình kỹ thuật canh tác, bón phân cân đối; tăng cường sử dụng phân kali, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng kịp thời để cây phát triển tốt, tạo tiền đề cho năng suất, chất lượng cao.

Về công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cần xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, dễ áp dụng để nhân ra diện rộng. Tiếp tục trình diễn, mở rộng quy mô áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác,…để nông dân tham quan, học tập. Đồng thời, đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất; tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) để tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng thu nhập cho nông dân./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN