Vĩnh Phúc: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và dịp Tết Nguyên đán 2024
(ĐCSVN) - Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch số 289 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P) |
Tháng cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh càng trở nên sôi động, đây cũng là thời điểm các gian thương gia tăng các hoạt động buôn bán, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Theo đó, Ban chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP).
Trong đó chú trọng đến các mặt hàng như xăng, dầu; thuốc lá điếu nhập ngoại; pháo các loại; phân bón; mỹ phẩm; dược phẩm; thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em; các loại thực phẩm từ gia súc, gia cầm; hàng hóa giả mạo nhãn mác, bao bì, xuất xứ Việt Nam...
Tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh; việc kê khai giá, đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chú trọng các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định pháp luật; hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa; việc thực hiện cân, đong, đo, đếm, đóng gói hàng hóa, chất lượng hàng hóa của các cơ sở SXKD để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá...
Thực hiện Công điện số 1097/2023 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 9633 ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các Đội QLTT ở các địa phương và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Được biết, tình hình kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát, quản lý địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, lợi dụng tình hình thị trường để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, trục lợi bất chính.
Đặc biệt, sự phát triển của thương mại điện tử với các ứng dụng bán hàng di động cùng nhiều nền tảng mạng xã hội mới, ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến, mở các gian hàng trên các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada... hay bán hàng trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok... không có cửa hàng, địa điểm kinh doanh đăng ký theo quy định khiến công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, 11 tháng năm 2023, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã kiểm tra 728 vụ, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 225 vụ với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Trong đó, chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; không thực hiện niêm yết giá theo quy định, tự ý điều chỉnh giá; không đăng ký kinh doanh theo quy định....